MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện tử công nghiệp, điện – tự động hóa là một trong những ngành học có nhu cầu tuyển dụng lớn ở Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: T.M

Đà Nẵng: Nhiều nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng không có người học

Tường Minh LDO | 30/10/2022 16:22
Đà Nẵng - Nhiều nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn, lương cao nhưng không có người học.

Nghề khan người học

Ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, cho biết: Hiện ngành hàn, điện tử công nghiệp, điện – tự động hóa là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động rất lớn.

Nhiều nghề hot, lương cao nhưng tuyển không ra người học ở Đà Nẵng. Ảnh: T.M

Như công ty PMC có nhu cầu tuyển dụng 60 nhân sự vận hành, bảo trì thang máy, điện nhưng nhà trường chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu.

Hay Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng mỗi năm đều tiếp nhận từ 20 - 30 sinh viên khoa Điện – Tự động hóa của Trường Cao đẳng Nghề và chia làm 2 đợt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Như, hiện người học lại không mặn mà đăng ký theo học những ngành trên. Như ngành hàn, mỗi năm chỉ có khoảng 15 sinh viên theo học/40 chỉ tiêu tuyển sinh, ngành tự động hóa công nghiệp chỉ tuyển được từ 50-60 trong tổng số 120 chỉ tiêu.

Gần như sinh viên các ngành này đều có việc làm khi vừa hoàn thành đợt thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Phương Đông chỉ có 20 sinh viên đăng ký học ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, bằng ½ chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong khi đó, dù nhân lực của ngành công nghệ ôtô đã bắt đầu bão hòa nhưng thí sinh lại theo học rất đông. Chỉ tính riêng các cơ sở đào tạo nghề ở Đà Nẵng, mỗi năm đã cung cấp cho thị trường lao động khoảng 2.500 – 3.000 đã qua đào tạo.

Đó là chưa kể một lực lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến công nghệ ôtô từ Trường Cao đẳng Thaco (Quảng Nam).

Do tâm lý chi phối

Nguyên nhân của tình trạng này, theo lý giải của ông Nguyễn Văn Như là chủ yếu xuất phát từ tâm lý của người học.

Dù lương khởi điểm của công nhân hàn, điện công nghiệp đều ở mức cao, ngoài ra còn có những chế độ ưu đãi khác nhưng điều kiện làm việc của nghề hàn, điện công nghiệp cũng rất căng thẳng và áp lực.

“Dù khi học sinh vào trường, nhà trường đều tổ chức tư vấn sâu thêm một lần nữa, trong đó nhấn mạnh nhu cầu của thị trường lao động nhưng các em điều chỉnh nguyện vọng học là không nhiều. Thậm chí, sau một tháng theo học, sinh viên vẫn có thể thay đổi nguyện vọng”, ông Như nói.

Tương tự ngành hàn là việc tuyển sinh ngành may công nghiệp. Trong khi đó, theo khảo sát của Trường Cao đẳng Nghề thì phần lớn lao động ở các xí nghiệp, công ty may mặc đều chưa qua đào tạo.

Giải thích về điều này, theo ông Nguyễn Văn Như là các chủ doanh nghiệp hút lao động phổ thông, sau đó tự tổ chức đào tạo với thời gian khoảng 3 tháng.

Đây cũng là cách thức để các doanh nghiệp tiết kiệm tài chính bởi lương học việc bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với công nhân chính.

Tuy có lợi trước mắt nhưng nếu chỉ học việc tại cơ sở sản xuất, nguy cơ người lao động bị sa thải sau 40 tuổi là rất cao nếu có bằng cấp, chứng chỉ nghề, ông Như phân tích.

Ngoài ra, nếu kéo dài tình trạng này, về lâu dài, thị trường may mặc của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh do người lao động không được đào tạo bài bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn