MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt Quảng An nợ lương, nợ BHXH khiến người lao động ngưng việc tập thể nhiều lần. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng sẽ thay đơn vị vận hành xe buýt nợ lương, BHXH của người lao động

Thùy Trang LDO | 20/02/2024 07:06

Sau nhiều năm hoạt động nhưng đơn vị vận hành xe buýt Đà Nẵng - Công ty Quảng An 1, chi nhánh Đà Nẵng liên tục nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) người lao động dẫn đến xe buýt công cộng thành phố hoạt động không hiệu quả, Sở Giao thông và Vận tải TP Đà Nẵng đang thay dần đơn vị vận hành có năng lực.

Được trợ giá nhưng nợ lương, BHXH triền miên

Mỗi năm, Công ty Quảng An 1, chi nhánh Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng trợ giá vài tỉ đồng tiền hoạt động xe buýt. Thế nhưng, từ khi hoạt động năm 2017 đến nay, không có năm nào doanh nghiệp này không gây ồn ào về nợ lương, nợ BHXH của người lao động.

Đến đầu năm 2024, ông Nguyễn Thông (tên đã thay đổi) - một nhân viên từng làm việc tại Công ty Quảng An 1 cho biết, dù đã nghỉ việc từ tháng 9.2023 nhưng doanh nghiệp vẫn đang nợ 4 tháng lương và 3,5 năm BHXH. Ông Thông cho hay, ngày 30 Tết năm nay nhiều lao động còn đang trụ lại doanh nghiệp vẫn bị nợ lương từ tháng 7.

Hơn 7 năm hoạt động, vận hành xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng, không có năm nào người lao động tại doanh nghiệp này không ngừng việc tập thể do bị nợ lương, nợ BHXH. Đây cũng là doanh nghiệp liên tục nằm trong danh sách nợ BHXH tiền tỉ, nợ khó đòi, không hợp tác dù đã bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần của BHXH thành phố.

Điều bất hợp lý là dù người lao động không được đóng BHXH nhưng tháng nào doanh nghiệp vẫn trích tiền lương của nhân viên ra ở khoản BHXH. Trong khi người lao động đau ốm không có bảo hiểm y tế, nghỉ việc cũng không được trợ cấp thất nghiệp, thậm chí có người nghỉ hưu nhiều năm rồi cũng vì bị doanh nghiệp nợ BHXH mà không nhận được hưu trí.

Thay dần bằng những doanh nghiệp có năng lực

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đóng vai trò then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên với thực tế trên, xe buýt Đà Nẵng gần như chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bằng chứng là những ngày người lao động ngưng việc tập thể, hàng trăm người dân Đà Nẵng đứng đợi xe, không biết vì sao xe buýt không chạy. Học sinh trễ học, người dân trễ làm, trễ việc và dần mất niềm tin vào hệ thống xe buýt thành phố.

Trước thực tế đó, Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng cho biết, năng lực tài chính của doanh nghiệp không đảm bảo được quyền lợi của người lao động, làm ảnh hưởng đến việc vận hành của các tuyến xe buýt.

Sở Giao thông Vận tải thành phố đang triển khai song song 2 nội dung là vừa yêu cầu Công ty Quảng An khắc phục, duy trì dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người dân; đồng thời triển khai các bước để tiến hành đầu tư lại các tuyến xe buýt (hiện nay do Công ty Quảng An đang vận hành) sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty Quảng An (tháng 6.2024) để lựa chọn đơn vị đủ năng lực vào vận hành các tuyến xe buýt tại TP Đà Nẵng.

Trong năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh tổng thể hiện trạng mạng lưới các tuyến xe buýt nội thành và xe buýt liên tỉnh liền kề giữa thành phố và tỉnh Quảng Nam. Đơn vị vận hành lần này là Công ty CP xe khách Phương Trang Futabuslines.

Đơn vị vận hành là Công ty CP xe khách Phương Trang Futabuslines, hợp đồng vận hành là 5 năm. Tổng số lượng xe hoạt động 32 xe, sử dụng xe buýt nhỏ B26 chỗ, xe mới 100% đạt tiêu chuẩn khí thải Euro V góp phần phát triển hệ sinh thái giao thông xanh.

Ông Đặng Nam Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng - kỳ vọng, việc đưa vào hoạt động 4 tuyến xe buýt không trợ giá hôm nay là tiền đề để ngành giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác trong giai đoạn từ nay đến 2030, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn