MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến hơn 400 lao động bị ảnh hưởng khi bị nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: Nguyên Thi

Đà Nẵng tìm cách giải quyết BHXH cho 400 lao động bị chủ nợ lương, bỏ trốn

THÙY TRANG LDO | 12/05/2023 22:14

Chiều 12.5, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tìm giải pháp để giúp 400 lao động bị chủ nợ lương, bỏ trốn được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chị Huỳnh Thị Bình, người lao động từng làm việc tại Công ty TNHH MTV TBO Vina phản ánh, doanh nghiệp này 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, kinh doanh ngành nghề may mặc xuất khẩu. Công ty được thành lập từ năm 2014 với tổng số người lao động làm việc đến thời điểm tháng 7.2018 là 474 người.

Nhưng ngày 21.7.2018, ông Kim Sang Bong, quốc tịch Hàn Quốc, đại diện theo pháp luật, Giám đốc Công ty TNHH MTV TBO VINA thông báo cho toàn bộ người lao động nghỉ phép đến hết ngày 30.7.2018.

 Chị Bình, người lao động từng làm việc tại Công ty TBO phản ánh quyền lợi bị ảnh hưởng do chủ bỏ trốn, nợ lương. Ảnh: Thanh Nguyên

Sau thời gian trên, ông Kim Sang Bong vẫn không có mặt tại nơi làm việc, trong khi công ty đang còn nợ một phần tiền lương tháng 6 và toàn bộ tiền lương tháng 7.2018 cộng với nợ bảo hiểm xã hội, tổng số tiền gần 14 tỉ đồng.

“Chúng tôi đã nhờ Công đoàn thành phố và Công đoàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đại diện cho tôi khởi kiện công ty đòi quyền lợi. Đến tháng 5.2022, tôi mới được giải quyết tiền lương.

Tuy nhiên, với tài sản bán được không đảm bảo để trả tiền bảo hiểm và từ đó đến nay, chế độ BHXH của chúng tôi chưa được giải quyết, chưa có quy định cho phép giải quyết các chế độ, chính sách từ BHXH khi có chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Vì vậy, tại hội nghị này, tôi mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đảm bảo quyền lợi của tôi và nhiều công nhân lao động được hưởng chế độ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể…” – chị Bình nói.

Trao đổi với người lao động, Nguyễn Thành Nam – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng xác nhận, vụ việc công ty TBO từ năm 2018 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

 Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng trả lời cử tri. Ảnh: Thùy Trang

Tổng nợ BHXH và tiền lương của doanh nghiệp này là trên 14 tỉ đồng với hơn 400 lao động. Tuy nhiên, tài sản sau khi thanh lý thì chỉ được khoảng 1,5 tỉ đồng, không đảm bảo các quyền lợi của người lao động.

Trên cơ sở đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư. Trong trường hợp Sở Kế hoạch Đầu tư có văn bản xác định hiện nay không có người đại diện theo pháp luật của công ty thì trên cơ sở đó, BHXH thành phố mới chi trả chế độ BHXH một lần cho người lao động.

"Qua vấn đề này, chúng ta cũng thấy rằng, cuối cùng người lao động vẫn là đối tượng bị thiệt thòi, cả về chế độ BHXH và tiền lương, mặc dù Sở đã tham mưu UBND TP hỗ trợ tổng cộng gần 500 triệu đồng để đóng các chế độ.

Nên chăng sắp tới thành phố cần kiến nghị Quốc hội có những ràng buộc với các chủ lao động. Ví dụ như theo Luật Lao động năm 2019, quy định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động thì phải ký gửi 2 tỉ đồng vào ngân hàng. Doanh nghiệp được hưởng lãi suất của số tiền này nhưng không được rút tiền gốc và khi xảy ra các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, cơ quan nhà nước có đặc quyền sử dụng quỹ đó” - ông Nam đề xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn