MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội) góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 12/11/2019 19:37

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề xuất Quốc hội nên tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

Chiều 12.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cùng chung quan điểm là phải nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và quy định rõ ngay trong luật.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, cần có cơ chế "mở", chính sách đặc biệt để thu hút những người giỏi tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

"Tôi đề xuất hai giải pháp, thứ nhất là không công chức hóa đại biểu Quốc hội chuyên trách, để thu hút lực lượng trí thức, nhà khoa học giỏi, lực lượng luật sư có trình độ, doanh nhân thành đạt có tâm huyết muốn đóng góp cho Quốc hội… về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thứ hai là nâng tuổi đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đã lớn tuổi chúng tôi đánh giá rất cao về trình độ, sự thẳng thắn, trải nghiệm rất sâu sắc. Nếu những đại biểu này nghỉ thì đây là một sự thiếu hụt. Chúng ta cần có cơ chế để thu hút đại biểu lớn tuổi ở lại với Quốc hội”- ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

Để nâng cao hoạt động của Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội thay vì họp 2 kỳ/ năm, mỗi kỳ kéo dài trên 1 tháng như hiện nay thì nên tổ chức họp 4 kỳ/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, cũng như tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm dễ dàng sắp xếp thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Ông kiến nghị: “Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án luật của các ngành, các địa phương, các ủy ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành 4 kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách”.

Ngoài ra, việc này cũng sẽ tốt hơn cho tâm lý và sức khoẻ của các đại biểu Quốc hội, giúp họ hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với cử tri, nhân dân, nhất là với các đại biểu kiêm nhiệm.  Việc chia ra họp nhiều lần có thể sẽ tốn kém hơn, nhưng ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng với chức năng, nhiệm vụ  quan trọng của Quốc hội, thì việc đầu tư kinh phí để Quốc  hội làm trọn nhiệm của mình với Đảng, với nhân dân vẫn cần đầu tư.  

Cũng liên quan đến bộ máy của Quốc hội, một số đại biểu khác phản ánh, tên gọi “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội” quá dài, có tình trạng tại nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các đại biểu khi nhắc đến Ủy ban này thường gọi tắt là “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục” hay “Ủy ban Thanh thiếu niên”. Vì thế, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc đổi tên Ủy ban này cho phù hợp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn