MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu QH: Thúc đẩy các ngành có lợi thế, tạo việc làm cho người lao động

Vương Hà Chung LDO | 02/11/2020 17:22

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phát huy hơn nữa cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại, tiếp cận các thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Dịch bệnh kéo dài có thể khiến lực lượng lao động thất nghiệp

Ngày 2.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, trong 5 năm từ 2016-2020, tình hình phát triển kinh tế - xã hội để lại nhiều dấu ấn, nhất là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Riêng năm 2020 là một năm nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn và cũng là năm cả nước đồng lòng vượt khó, khối lượng công việc của một năm rất lớn, có việc chưa có tiền lệ nhưng chúng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo rất thành công.

Những khó khăn chồng chất của đồng bào miền Trung bị bão lũ đang được Đảng, Nhà nước quan tâm và nhân dân cả nước chung tay chia sẻ, hi vọng các tỉnh miền Trung sẽ sớm vượt qua.

Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh Gia Hân

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu thống kê, dịch COVID-19 đã làm cho xu hướng nghèo hóa công nhân ở khu vực đô thị đang gia tăng, người lao động đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều ngành sụt giảm mạnh về tiền lương đến 50%, lương một số ngành giảm mạnh như Giao thông Vận tải, Du lịch 70-80%. 60% người lao động được hỏi phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng, 40% người lao động phải giảm dinh dưỡng bữa ăn, 27% phải giảm việc học tập, nâng cao tay nghề, 13% phải giảm chi phí khám chữa bệnh...

“Dịch bệnh kéo dài có thể khiến một lực lượng lao động thất nghiệp sẽ vi phạm pháp luật và làm nảy sinh các vấn đề xã hội”, đại biểu lo ngại.

Cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, người lao động là lực lượng chủ yếu tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là vốn quý nhất của doanh nghiệp nhưng họ lại đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, trong khi đó gói hỗ trợ của Chính phủ chưa đến được với nhiều người lao động. Do đó cần có các giải pháp hỗ trợ cho người lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu nêu ra 5 kiến nghị, trong đó tập trung duy trì thị trường lao động, việc làm, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, doanh nghiệp, coi đây là cơ hội nâng cao tay nghề để người lao động tiếp cận việc làm sau dịch bệnh.

Đồng thời, Chính phủ phát huy hơn nữa cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại, tiếp cận các thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục mở cửa thận trọng, có kiểm soát, tập trung phát triển thị trường trong nước.

Đại biểu cũng cho rằng, các gói kích thích kinh tế cần hướng tới các động lực phát triển dài hạn chứ không chỉ trong ngắn hạn và phát huy vai trò của nông nghiệp là “bà đỡ” cho nền kinh tế.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh Gia Hân

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị, để phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, cần rà soát lại mô hình các hợp tác xã kiểu mới và áp dụng theo chuẩn quốc tế.

Việc cần làm là nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới; nhận diện, phân tích, đánh giá các mô hình hợp tác xã đang làm tốt để nhân rộng; tạo dựng môi trường pháp lý để hợp tác xã sống được bằng chính nội lực; làm tốt mối quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, kết nối các nhà khoa học công nghệ để đưa hàm lượng khoa học - công nghệ vào sản xuất; tăng cường dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để nông dân yên tâm canh tác; kiện toàn công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về hợp tác xã, tránh chồng chéo.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn TP Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội, ngành Du lịch phải sẵn sàng tái khởi động lại; đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời gắn du lịch với phát triển khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều tiềm năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn