MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu Quốc hội: Đoàn viên công đoàn sẽ có cơ hội được mua nhà giá hợp lý

Cường Ngô - Phạm Đông LDO | 25/06/2023 18:15

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người lao động là đoàn viên công đoàn sẽ có cơ hội được mua, thuê, thuê mua nhà có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động.

Thống nhất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Hiện nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân lao động hầu hết phải đi thuê nhà do tư nhân xây, có nhiều nơi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần, năng suất lao động của công nhân. Qua nắm bắt thông tin, ông đánh giá như thế nào về chất lượng nơi ở của công nhân hiện nay?

- Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu tối thiểu cho người lao động. Ở nhiều nơi còn thiếu các thiết chế nhà ở cho công nhân; thiếu các thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí

Đồng thời cũng thiếu các thiết chế giáo dục như nhà trẻ, nhóm trẻ, trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở. Công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn, đông đúc, điều kiện sống, sinh hoạt không đảm bảo.

Trong khi nhiều khu nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng, nhưng không đảm bảo về hạ tầng, chất lượng, dịch vụ kém, an ninh, an toàn chưa tốt, quản lý vận hành lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện.

Tại một số khu nhà ở công nhân cho thuê không đúng đối tượng, công nhân khó tiếp cận thuê, phí dịch vụ cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần, năng suất lao động của công nhân.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu ủng hộ đề xuất giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Dưới góc độ là Đại biểu Quốc hội, cũng là một cán bộ trong hệ thống Công đoàn, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này với nội dung: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp".

Đây là một chính sách rất phù hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án: "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655 ngày 12.5.2017 - theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tiền đâu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở cho công nhân?

Theo ông, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở xã hội sẽ mang lại những lợi ích thiết thực gì cho người lao động, đoàn viên công đoàn?

Việc "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp" là rất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư hoặc chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn.

Bao gồm các công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng đời sống cho đoàn viên công đoàn là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Người lao động là đoàn viên công đoàn sẽ có cơ hội được mua, thuê, thuê mua nhà có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện sống như có chỗ cho con cái học hành, có khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, có siêu thị, hiệu thuốc... tại các thiết chế công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không chỉ là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới, mà còn góp phần giữ chân người lao động là đoàn viên công đoàn, nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đây cũng là một chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói chung và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói riêng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động cần được quy định và cụ thể hoá như thế nào trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi?

Tại khoản 3, Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.

Đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Điều 37 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở làm 2 nhóm.

Một là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hai là cơ quan tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Quy định như vậy chưa bao gồm chủ thể Tổng Liên đoàn Lao động vì Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Do vậy, tôi đề nghị ghi rõ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong những chủ thể đầu tư, chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác và được quy định đầy đủ vào Điều 37 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn