MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại biểu Quốc hội hiến kế xây 1 triệu căn nhà xã hội cho công nhân

Nhóm PV LDO | 31/05/2023 11:05

Đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ về lãi suất, nhà ở, vốn vay cho công nhân, người lao động thành 1 gói chung và thời gian kéo dài đến hết năm 2025. Có như vậy, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân mới có thể hoàn thành.

Cần giải ngân nhanh các gói hỗ trợ

Sáng 31.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đồng thuận với với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ.

Theo đại biểu, năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến năm 2022, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, gói 15.000 tỉ cho công nhân vay mua nhà qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có 3 hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công nhân lao động.

Tuy nhiên, cả 2 gói hỗ trợ này đang giải ngân thấp do doanh nghiệp thì vướng, công nhân thì không có nhu cầu nhiều.

"Hiện nay, gói giải ngân 2% lãi suất mới chỉ giải ngân được 1%, còn gói 15.000 tỉ lệ giải ngân trên 34%. Hai gói này chưa giải ngân xong, mà có tiếp gói 120.000 tỉ đồng - liệu có khả thi không? Trong khi cả 3 gói hỗ trợ có đối tượng và thời gian kết thúc trùng lặp nhau, vào cuối năm 2023. 

Bên cạnh đó, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà đang được sửa và quy hoạch chưa phê duyệt xong.

Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và thời gian kéo dài đến hết 2025. Có như vậy, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân mới có thể hoàn thành" - bà Vân nói.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, cần nhanh chóng giải ngân nhanh các gói hỗ trợ. Ảnh: Media Quốc hội 

Theo bà Vân, cả nước hiện có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu. 

Công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, phần lớn là công nhân ngoại tỉnh (chiếm 70%),đang thuê nhà của các hộ gia đình do tư nhân xây; các phòng trọ rất chật hẹp, chỉ 3-4 m2/người, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về diện tích, ánh sáng, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy.

Bà Vân nói, trước kỳ họp thứ 5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh, tiếp xúc với gần 1.000 cử tri là công nhân lao động.

Đoàn đại biểu cũng thăm khu nhà trọ cho công nhân và khảo sát nhu cầu nhà ở, nhà trọ, vay vốn đối với trên 200 chủ nhà trọ và gần 300 công nhân ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh.

Qua khảo sát, chỉ có 27 công nhân có nhu cầu định cư và mua nhà; họ đều là các công nhân có thời gian làm việc ở Bắc Ninh lâu dài, từ 5-10 năm. 19 công nhân có nhu cầu ở ký túc xá của công ty; còn lại số đông công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ, chiếm hơn 80%. Họ là những công nhân xác định chỉ đến Bắc Ninh để làm việc trong thời gian ngắn, sau đó sẽ trở về quê.

"Các hộ gia đình, cá nhân bỏ tiền ra xây nhà ở cho công nhân thuê, giúp chúng ta giải quyết hàng triệu chỗ ở cho công nhân lao động trên cả nước. Do vậy, Chính phủ cần chính sách hỗ trợ đối tượng này và tách bạch nhu cầu mua nhà và chỗ ở của công nhân", bà Vân nói.

Hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp

Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho hay, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỉ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Đại biểu Tô Ái Vang. Ảnh: Media Quốc hội 

Vì thế, đại biểu kiến nghị, năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn