MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động thất nghiệp ở Đắk Lắk đang chuyển hướng đi học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp, giáo dục thường xuyên. Ảnh: Bảo Trung

Đắk Lắk đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường

BẢO TRUNG LDO | 26/07/2024 07:30

Hiện nay, nhiều người trong độ tuổi lao động ở Đắk Lắk đăng ký học nghề để sau khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm kiếm được việc làm với thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Các cơ sở đào tạo cũng đổi mới cách thức, khảo sát và đào tạo nghề theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.

Doanh nghiệp săn đón nguồn lao động có tay nghề

Em Lê Ngọc Giáp, học viên ngành công nghệ kỹ thuật ôtô, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam - (đào tạo tại tỉnh Đắk Đắk) - chia sẻ: “Em đang học năm cuối, sau khi tốt nghiệp sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp với trình độ ở địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột”.

Theo em Giáp, thời gian theo học ở trường, em được học thực hành rất nhiều. Ít tháng nữa Giáp mới tốt nghiệp nhưng đã có một số đơn vị chào mời vào làm việc với mức lương khá hấp dẫn. Không riêng gì em Giáp, hiện nay, sinh viên Trường Cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô có thành tích học tập tốt đang được các doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao về tay nghề và sẵn sàng trải thảm đỏ mời về làm việc.

Không chỉ có các trường đào tạo nghề chuyên nghiệp, ở khu vực nông thôn công tác đào tạo nghề cũng đang được các huyện, thành phố chú trọng thực hiện. Đơn cử như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk đã xây dựng được bộ chương trình khung cho 11 nghề và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động. Trong đó, có các nghề phi nông nghiệp gồm nghề xây dựng dân dụng, nghề may dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp…

Sau nhiều tháng thất nghiệp ở nhà, không tìm được việc làm, anh Cháu A Long, ở huyện M’Đrắk đã theo học lớp sửa chữa máy móc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk. Qua 4 tháng, tay nghề anh Long được nâng cao rõ rệt và có thể tự sửa chữa nhiều loại máy móc. Anh Long dự tính khi tốt nghiệp sẽ lên thành phố Buôn Ma Thuột để tìm việc.

Đào tạo nghề theo địa chỉ

Qua thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk giải quyết việc làm cho 16.300 người, đạt 53,97% kế hoạch đề ra. Trong đó, toàn tỉnh có 700 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Theo Sở LĐTBXH, địa bàn đang có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 19 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo với 19.592 học viên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, đạt 44,8% kế hoạch năm; tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (địa điểm đào tạo tỉnh Đắk Đắk) - cho biết, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đơn vị còn đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp...

“Kết quả kiểm tra đánh giá cuối khóa cho thấy, các học viên đều nắm chắc kiến thức và thực hành thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp” - lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho biết thêm.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk) thông tin, đơn vị vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động kết hợp điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó, các cơ sở đào tạo sẽ thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đào tạo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ở tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn