MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động làm việc ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Đắk Lắk) thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19. Ảnh: Ngọc Trung

Đắk Lắk: Hàng nghìn người lao động vẫn chờ hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng

BẢO TRUNG LDO | 05/06/2020 08:44
Đã hơn một tháng kể từ thời điểm Đắk Lắk tiến hành chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tỉnh này chỉ mới có 1 doanh nghiệp làm hồ sơ xin hỗ trợ cho người lao động (NLĐ). Trong khi đó, hàng nghìn NLĐ khác ở tỉnh này vẫn đang chờ đợi chủ doanh nghiệp can thiệp để họ được thụ hưởng tiền hỗ trợ...

Chỉ một doanh nghiệp xin hỗ trợ thành công

Thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk, đến cuối tháng 5.2020, toàn tỉnh có khoảng 3.600 NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, hơn 90% trong số đó bị ngừng việc làm. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những giáo viên đang công tác ở các đơn vị ngoài công lập. Tuy vậy, con số trên vẫn chưa dừng lại ở đó, các địa phương trong tỉnh vẫn đang tiếp tục thống kê rà soát. Bên cạnh đó, số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 1.800 người.

Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của địa phương này. Theo đó, toàn tỉnh có gần 300 doanh nghiệp (DN), 1.876 hộ kinh doanh, 16 hợp tác xã ngừng hoạt động... Tổng doanh thu của DN bị thiệt hại ước tính hơn 900 tỉ đồng.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk vẫn chỉ mới có một DN trên địa bàn tỉnh làm hồ sơ trình cơ quan chức năng xét duyệt hỗ trợ cho NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, Công ty (Cty) TNHH Ánh Dương (huyện Cư M’Gar) đã làm hồ sơ xin xét duyệt hỗ trợ 9 lao động đang làm việc ở đơn vị. UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ mà Cty này trình lên.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Đắk Lắk - cho biết: ‘’Đúng là có chuyện các DN ái ngại khi nghĩ đến vấn đề này vì nghĩ sẽ có nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan, mất nhiều thời gian, công sức. Tuy vậy, có một số DN đã đến đơn vị hỏi thủ tục làm hồ sơ để xin hỗ trợ cho NLĐ.

Đơn cử, đại diện Vietravel tại Đắk Lắk vừa đến sở xin làm thủ tục nhưng vướng phải một số vấn đề nên không thực hiện được. Theo quy định, muốn được xét duyệt hồ sơ xin hỗ trợ thì DN có từ 20%-30% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến ngày 30.6.2020... Nhiều DN ở tỉnh vì không đạt đủ điều kiện theo quy định nên không được xét duyệt’’.

Sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp

UBND tỉnh Đắk Lắk đã và đang xét duyệt hồ sơ những nhóm đối tượng được nhận gói hỗ trợ mà các địa phương trình lên, các bước tiến hành đúng theo quy trình. Những hồ sơ của DN trình lên đều được các sở, ban ngành liên quan thẩm định trước khi trình lãnh đạo tỉnh ký duyệt chi. Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ DN nếu thấy hồ sơ thỏa đáng.

Đáng chú ý, bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - vừa ký quyết định phê duyệt hỗ trợ cho một phụ nữ bị mất việc làm nhưng không có giao kết hợp đồng lao động. Người phụ nữ này ở huyện M’Drắk, chuyên đi thu gom rác, phế liệu. Trước đó, bà đã mất nhiều thời gian tự bỏ công sức tìm tòi thủ tục làm hồ sơ để tiến hành xin hỗ trợ.

‘’Việc làm hồ sơ xin xét duyệt hỗ trợ là quyền lợi của mỗi DN. Thủ tục xin xét duyệt cũng không quá phức tạp. DN chỉ cần làm hồ sơ trình địa phương xác minh và lưu ý cần có thêm thông tin phản hồi từ phía BHXH. Nếu các bên liên quan xét thấy danh sách những NLĐ mà DN lập ra thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng thì UBND tỉnh sẽ duyệt chi. Tính từ thời điểm DN làm hồ sơ đến khi được xét duyệt chỉ mất khoảng 2-3 ngày’’ - ông Lê Văn Dần, Chánh Văn phòng Sở LĐTBXH Đắk Lắk nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn