MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng nợ lương người lao động vẫn thường xảy ra trong dịp Tết. Trong ảnh là người lao động tại Đắk Nông bị nợ lương.

Đắk Lắk: Không để người lao động nào bị nợ lương, thưởng trong dịp Tết

Hữu Long LDO | 22/01/2020 16:51

Trong dịp Tết, UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Ngày 22.1, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp, các sở ban ngành trên địa bàn về việc tăng cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Nguyên đán.

Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định, căn cứ kết quả sản xuất - kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm 2019, Giám đốc doanh nghiệp tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai kế hoạch thưởng cho người lao động.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu phải đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch về tiền lương, tiền thưởng, đóng và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Đối với người lao động ở xa có nhu cầu về quê ăn Tết, đề nghị doanh nghiệp quan tâm xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về quê ăn tết cùng gia đình.

Để đảm bảo đời sống người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra trong dịp Tết, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương triển khai xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; chủ động theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán...

“Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, trước hết là ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những nội dung dễ phát sinh tranh chấp như tiền lương, làm thêm giờ, các khoản phúc lợi, tiền ăn ca, đóng hưởng bảo hiểm xã hội; xử lý kiên quyết, kịp thời những doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động” - trích văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn