MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người trẻ ở Đắk Lắk tham dự một phiên giao dịch việc làm tại TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đắk Lắk tiếp tục giúp tìm việc làm cho công nhân thất nghiệp

BẢO TRUNG LDO | 04/10/2023 15:50

Đắk Lắk - Tỉnh Đắk Lắk sắp tổ chức một hội chợ việc làm lớn nhất từ trước đến nay nhằm giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định.

Ngày 4.10, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - xác nhận, ngày 6.10, địa phương sẽ tổ chức Hội chợ việc làm năm 2023 với chủ đề “Kết nối việc làm - cơ hội nghề nghiệp - Mở rộng tương lai”. Đây là hội chợ việc làm có quy mô lớn nhất trước đến nay tại tỉnh, với sự tham gia của 21 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh cùng hàng nghìn vị trí việc làm cần tuyển dụng, tuyển sinh đa dạng, phong phú.

Sự kiện có sự kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm khoảng 20 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, do đó sẽ là cơ hội để người lao động tìm hiểu về việc làm, học nghề trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.

Theo ông Thuân, đây là bước đột phá, mở rộng của tỉnh đối với việc hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình triển khai sự kiện có sự phối hợp liên thông giữa các địa phương, mấu chốt ở đây là các doanh nghiệp đa phần đều uy tín, nhu cầu tuyển dụng cao với nhiều ngành nghề phổ thông dễ dàng giúp người lao động có sự chọn lựa, cân nhắc trước khi nộp hồ sơ.

Trước đó, năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã đi từng nơi, trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng các tỉnh Đông Nam Bộ để giúp người lao động địa phương có việc làm sau dịch COVID-19, đến nay, Đắk Lắk tiếp tục là đơn vị đầu mối "tìm việc" giúp người dân đang thất nghiệp, hoặc chưa có nghề ổn định.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có 1.078 doanh nghiệp thành lập mới, tương đương 65% kế hoạch, giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn điều lệ đăng ký 8.314 tỉ đồng, giảm 34,83% so với cùng kỳ năm 2022.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thuân thông tin thêm, số doanh nghiệp thành lập mới tại địa phương đa phần siêu siêu nhỏ, minh chứng là số vốn đăng ký quá thấp dẫn đến việc rất khó tuyển dụng với số lượng lớn, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ. Ngoài ra, theo khảo sát, đa phần doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động thuộc lĩnh vực xây dựng và dịch vụ nên khó cho người lao động chọn lựa, đăng ký nộp hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, việc địa phương có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới cũng sẽ giúp cơ quan chức năng giảm tải được áp lực người lao động thất nghiệp, xin hưởng trợ cấp xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn