MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng ở huyện Đắk Mil mở lớp dạy nghề chăm sóc và phát triển cây sầu riêng cho người dân địa phương. Ảnh: Bảo Lâm

Đắk Mil, Đắk Nông gắn công tác dạy nghề với việc gia tăng thu nhập cho người dân

Bảo Lâm LDO | 21/12/2023 19:03

Đắk Nông - Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đắk Mil có nhiều chuyển biến tích cực, giúp hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Trao cần câu cho người lao động

Những năm qua, huyện Đắk Mil đã chú trọng tăng cường thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá về công tác dạy nghề trên địa bàn, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Qua khảo sát công tác đào tạo nghề cho thấy, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Sau khi học nghề người lao động đã biết cách giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Thông qua các lớp dạy nghề người lao động nông thôn đã biết vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi, làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình.

Quang cảnh một buổi dạy nghề được tổ chức tại huyện Đắk Mil. Ảnh: Bảo Lâm

Chia sẻ về việc này, chị Hoàng Thị Bình, ở xã Đắk N'Drót cho biết, gia đình có 50 cây sầu riêng trồng xen canh trong 1ha cà phê. Trước đây, gia đình chị trồng cây sầu riêng theo kinh nghiệm mà các người dân địa phương tự truyền dạy cho nhau nên hiệu quả chưa cao.

Sau khi được học nghề, chị đã tiếp thu, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để phát triển hiệu quả cây sâu riêng, cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình.

Đào tạo nghề sát với thực tiễn

Theo UBND huyện Đắk Mil, hàng năm, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các đơn vị chức năng khác sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trên cơ sở đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil đã chủ động xây dựng thông tin học nghề, phương án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh rộng rãi đến mọi người dân.

Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và UBND các xã, thị trấn để chỉ đạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trung tâm còn trực tiếp làm việc với UBND các xã về việc tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, trực tiếp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển sinh, đào tạo...

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil trao tín chỉ cho các học viên học nghề. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil, công tác đào tạo nghề đều được đơn vị thông qua việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động.

Từ đó, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của từng xã trên địa bàn huyện, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.

Nhìn chung, chương trình đào tạo nghề đã đáp ứng được yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil đã tổ chức được 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 595 học viên tham gia. Trong đó, có 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, 11 lớp phi nông nghiệp.

Phát huy kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm qua, năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã để tuyên truyền, tuyển sinh và mở 20 lớp dạy nghề khoảng 700 học viên là lao động nông thôn trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn