MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm. Ảnh: Tô Thế

Đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân và vai trò của tổ chức Công đoàn

Tô Thế LDO | 01/12/2023 09:50

Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chiều 30.11, tại Trụ sở Bộ Công an (TP Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân”.

Nhiều loại tội phạm tấn công vào các khu chế xuất, khu công nghiệp

Theo số liệu cập nhật đến 30.6.2023, cả nước có khoảng 24,5 triệu người lao động làm công hưởng lương. Tổ chức Công đoàn Việt Nam quản lý hơn 11 triệu đoàn viên, trong đó khoảng 2/3 là công nhân lao động, sinh hoạt tại hơn 123.000 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

Thông tin tại diễn đàn, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ nhiều năm qua, việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Gần đây, việc bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân đặt ra yêu cầu cao hơn do xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.

Theo đó, ngày càng nhiều loại tội phạm len lỏi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi ở của công nhân lao động để hoạt động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đời sống công nhân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, nhất là việc làm, thu nhập... nguy cơ công nhân bị các loại tội phạm lỗi kéo cao hơn.

“Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo cam kết Việt Nam sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhưng không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là vấn đề nhạy cảm, chưa có tiền lệ.

Từ những quy định mới như vậy, nguy cơ về phát sinh tội phạm là những thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc sẽ được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để lôi kéo công nhân lao động là rất cao, nguy cơ công nhân lao động tham gia tiếp tay cho tội phạm mới này là không nhỏ”, ông Vũ Mạnh Tiêm thông tin.

Đảm bảo an ninh trong công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn

Xác định rõ nhiệm vụ, thời gian qua Tổng LĐLĐVN đã xây dựng hệ thống văn bản tổ chức triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân, viên chức, lao động, tiêu biểu như 2 lần ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng LĐLĐVN trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; Ban hành và triển khai 2 Kế hoạch biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Sự phối hợp của các cấp công đoàn với lực lượng công an đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các cấp công đoàn đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức được hàng nghìn cuộc tuyên truyền cho hàng triệu lượt đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tuy ổn định nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, sẽ tác động trực tiếp đến an sinh xã hội và an ninh trật tự, phát sinh nhiều loại tội phạm mới. Do đó, việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

“Chúng ta cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cấp công đoàn; phòng ngừa các loại tội phạm nhất là tín dụng đen trong đoàn viên, người lao động; kiên quyết, kiên trì vận động để đoàn viên, người lao động không bị các thế lực thù địch, các phần tử xấu lôi kéo, kích động. Xây dựng các lực lượng gắn với cơ sở như doanh nghiệp, khu lưu trú...”, bà Trần Thị Diệu Thúy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận diễn đàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn