MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Quế Chi

Đảm bảo an toàn lao động giai đoạn sau dịch COVID-19

Quế Chi LDO | 01/06/2022 10:39
Sáng 31.5, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Toạ đàm Vai trò công tác an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn sau đại dịch COVID-19. Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động đồng chủ trì.

TS Đoàn Ngọc Xuân (Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế trung ương) cho biết, trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới. Các rối loạn sức khoẻ tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Không chỉ vậy, cường độ lao động ngày càng cao do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động động, bệnh nghề nghiệp nếu không làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động” - theo TS Đoàn Ngọc Xuân. 

ThS Nguyễn Khánh Long (Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH) nêu lên thực trạng, trong quá trình phục hồi sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng, do phải tập trung cho hoạt động sản xuất trong tình trạng thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải huy động người lao động làm thêm giờ trong tình trạng sức khoẻ suy giảm do di chứng hậu COVID-19. Đồng thời, do những khó khăn về tài chính, doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực mua sắm nguyên vật liệu trong điều kiện lạm phát, giá cả leo thang đã làm cho nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động bị cắt giảm.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, Tổng LĐLĐVN đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhằm kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động, đội ngũ y tế để tăng cường nơi tuyến đầu chống dịch và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. 

“Hiện nay tình hình dịch bệnh đã tạm lắng và đi vào ổn định, nhưng việc chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên công đoàn và người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng LĐLĐVN, từ đó góp phần tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn sau đại dịch” - ông Phan Văn Anh khẳng định.

Bà Ingrid Christensen cho rằng, nhìn chung, an toàn vệ sinh lao động là vấn đề quan trọng mà người sử dụng lao động và doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm để liên tục cải tiến, đầu tư. “An toàn vệ sinh lao động, điều kiện làm việc, môi trường làm việc tốt là điều kiện cần thiết để duy trì sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào” - bà Ingrid Christensen nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn