MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn tài chính Công đoàn chủ yếu để chăm lo cho người lao động. Trong ảnh: Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở quận Bình Tân trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Nam Dương

Đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn

Nam Dương LDO | 01/04/2022 12:38

LĐLĐ TPHCM đã ban hành văn bản số 219/LĐLĐ-TC ngày 28.3.2022 “Về việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tích lũy” (Văn bản 219). Nội dung văn bản 219 của LĐLĐ TPHCM, thể hiện sự chấp hành nghiêm của tổ chức Công đoàn TPHCM trong thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác tài chính công đoàn (CĐ).

Văn bản này được ban hành căn cứ vào các Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19.12.2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam “Về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn” (QĐ 1908); Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ ngày 28.12.2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam “Về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài chính công đoàn” (QĐ 1764) và Công văn số 2080/TLĐ ngày 29.12.2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam “Về việc vay vốn và sử dụng tài chính công đoàn tích lũy của CĐCS để kinh doanh”.

Theo ông Cao Xuân Dương - Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ TPHCM - hằng năm, sau khi hoàn thành công tác tổng hợp quyết toán tài chính và để chuẩn bị cho chương trình làm việc với cơ quan kiểm tra Kiểm toán, LĐLĐ TPHCM vẫn ban hành các văn bản như văn bản 219 để đôn đốc, nhắc nhở các cấp CĐ thực hiện nghiêm các quy định về chế độ tài chính CĐ.

Một buổi tập huấn về công tác tài chính công đoàn. Ảnh: LDO

Về các nội dung cụ thể, ông Dương cho biết theo các quy định về quản lý tài chính tại QĐ 1908, thì CĐ được sử dụng nguồn tài chính tích lũy để đầu tư tài chính (bao gồm việc cấp vốn, cho vay vốn đối các đơn vị  trong hệ thống CĐ ) trên cơ sở phê duyệt của Tổng Liên đoàn.

Tuy nhiên, mới đây, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành QĐ 1764, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài chính CĐ. Theo đó, đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư tài chính và không cho phép CĐ các cấp sử dụng nguồn tài chính tích lũy để cho vay, dù đó là các đơn vị trong hệ thống CĐ. Đối với CĐCS, quy định trước đây và hiện nay cũng chỉ cho phép sử dụng tài chính tích lũy để mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại CĐCS.

Ông Dương cũng cho biết thêm, vừa qua, nhân sự của tổ chức CĐ TPHCM, nhất là ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (quận, huyện, tổng công ty) có nhiều biến động, nhiều cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức danh, trong đó có lãnh đạo DN được điều động, bổ nhiệm, bầu làm chủ tịch CĐ và là chủ tài khoản của CĐ.

Công nhân trên địa bàn Thành phố Thủ Đức nhận quà tặng của LĐLĐ Thành Phố Thủ Đức trao tặng. Ảnh: Nam Dương

Do đó, việc ban hành văn bản này để nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị trong tổ chức CĐ TPHCM phải thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính theo pháp luật và của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tránh những sai sót có thể xảy ra.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, nhấn mạnh: “Nội dung văn bản 219 đã thể hiện sự chấp hành nghiêm của tổ chức CĐ TPHCM trong thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác tài chính CĐ. Đồng thời, còn mang tính cảnh báo, nhắc nhở các cấp CĐ, hạn chế các trường hợp phát sinh nhằm giúp cho tổ chức CĐ đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn