MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: T.T

Đảm bảo nhân lực phục hồi sản xuất - bài học từ Bắc Ninh

Trần Tuấn LDO | 16/09/2021 06:30
Thực hiện tốt “3 tại chỗ” và “2 cung đường, 1 điểm đến”, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh hiện không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời đã trở lại quỹ đạo sản xuất. Công nhân nhận làm tăng ca để đáp ứng công việc và nâng cao thu nhập. Mục tiêu của tỉnh từ giờ đến cuối năm sẽ là thời gian của sự phục hồi và phát triển.

Không thiếu hụt lao động sau dịch

Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của các tỉnh phía Bắc với 16 khu công nghiệp. Trong đợt dịch vừa qua, Bắc Ninh chịu thiệt hại khoảng 3.600 tỉ đồng mỗi ngày, chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ.

Sau khi dịch được kiểm soát, tỉnh Bắc Ninh đã nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối tiêu thụ hàng hóa, tăng cường chính sách hỗ trợ, thực hiện các kịch bản khắc phục chuỗi đứt gãy, khôi phục hoạt động kinh tế.

Hàng nghìn công nhân ở các tỉnh khác đã trở lại Bắc Ninh làm việc. Nhiều nhà máy đã trở lại quỹ đạo sản xuất. Công nhân nhận làm tăng ca để đáp ứng công việc và nâng cao thu nhập. Mục tiêu của tỉnh từ giờ đến cuối năm sẽ là thời gian của sự phục hồi và phát triển. Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của tỉnh này đã tăng 13,6% vo với tháng 7.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Mầu Quang Thắng - Phó ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN ở Bắc Ninh đã trở lại làm việc bình thường, số lượng lao động cũng đạt xấp xỉ 100% so với trước thời điểm dịch. “Do các doanh nghiệp thực hiện trơn tru mô hình 3 tại chỗ sau đó là “1 cung đường, 2 điểm đến” để ứng phó với dịch vì vậy Bắc Ninh không trải qua giai đoạn bị thiếu hụt lao động trầm trọng sau dịch” - ông Thắng chia sẻ.

Anh Trần Viết Lực (Lương Tài, Bắc Ninh) làm việc tại một đơn vị chuyên tuyển dụng tại Bắc Ninh cho biết: “Thực tế, các doanh nghiệp trong các KCN thời điểm này chủ yếu chỉ tuyển lao động thời vụ, ngắn hạn do số lượng lao động chính thức không bị thiếu hụt”.

Để đảm bảo phòng, chống dịch trong lực lượng công nhân, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các địa phương thành lập “Tổ hỗ trợ công nhân” để sắp xếp nơi ở cho lao động trong các công ty trong cùng một nhà trọ, khu trọ, khu vực ở gần nhau. Yêu cầu các công nhân làm việc không được di chuyển sang địa phương khác. Các doanh nghiệp cũng phải thường xuyên thực hiện những buổi diễn tập về phòng dịch, sẵn sàng đối phó trong các tình huống.

Trở lại quỹ đạo sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra các chính sách đãi ngộ cho công nhân để tăng năng suất lao động như: Tăng phụ cấp ăn ở, tăng tiền thưởng, chi hoa hồng cho những công nhân giới thiệu được lao động mới.

“Công ty tôi đã bố trí rất hợp lý thời gian ăn uống, nghỉ ngơi nên năng suất lao động vẫn đạt so với kế hoạch của bộ phận sản xuất đề ra” - chị Nguyễn Thùy Vân, làm việc trong Khu công nghiệp VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh, chia sẻ.

Tăng cường chính sách hỗ trợ

Không chỉ duy trì, khôi phục sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại Bắc Ninh đang dự kiến tăng cường cường độ sản xuất; đón đầu xu hướng với nhịp sản xuất, tăng trưởng mới, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Như Công ty TNHH Goertek Vina (KCN Quế Võ), một đơn vị chuyên sản xuất tai nghe, micro, loa… và các linh kiện điện thoại cung cấp cho Samsung, Apple. Đại diện doanh nghiệp cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại Bắc Ninh, với số vốn dự kiến tăng thêm khoảng 250 triệu USD.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, các ban ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng đã thực hiện, tăng cường nhiều biện pháp hỗ trợ.  

Ông Park Sung Woo - Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH INTOPS Việt Nam (KCN Yên Phong, Bắc Ninh) - cho biết: “Dịch COVID-19 đã khiến sản lượng và đơn hàng của công ty giảm 20%. Trong khó khăn, chúng tôi đã được Cục Thuế tỉnh hướng dẫn làm thủ tục gia hạn theo Nghị định 52 của Chính phủ, đồng thời xử lý rất nhanh hồ sơ hoàn thuế VAT. Đến nay, công ty đã ổn định trở lại”.

Bên cạnh đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo phải giải quyết nhanh thủ tục vay vốn, giãn nợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh cũng thành lập “Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp” tại các sở ban ngành và địa phương. Tổ này cũng có nhiệm vụ kết nối tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh đưa vào thực hiện thí điểm mô hình đăng ký thành lập doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục hành chính ngay tại huyện.

Tuy các doanh nghiệp đã trở lại quỹ đạo sản xuất, nhưng ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết: “Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án 3 tại chỗ, chuẩn bị kỹ các kịch bản để triển khai thực hiện nếu tình hình dịch bệnh có dấu hiệu trở lại và diễn biến phức tạp. Chỉ như vậy mới có thể bảo vệ và giữ vững “vùng xanh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn