MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu chốt phương án tăng mức lương tối thiểu năm 2019. Ảnh: HOÀNG HOAN

Đảm bảo quyền lợi người lao động

Quang Hiếu LDO | 18/08/2018 07:15
Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động với mức lương tối thiểu vùng tăng từ 160.000 đồng - 200.000 đồng so với hiện nay. Qua tổng  hợp đề xuất, có 4/63 địa phương đề nghị điều chỉnh một số địa bàn áp dụng theo hướng tăng lên. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Bộ LĐTBXH.

4 địa phương đề xuất tăng

Theo Dự thảo quy định, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 gồm 4 mức: Mức 4,18 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 1; mức 3,71 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 2; mức 3,25 triệu đồng, áp dụng đối với vùng 3 và mức 2,92 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 4. Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng từ 160.000 đồng - 200.000 đồng so với hiện hành năm 2018, tương ứng với mức tăng theo tỉ lệ phần trăm từ 5-5,8% tùy theo từng vùng, mức tăng bình quân là 5,3%.

Mức tăng lương tối thiểu vùng được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2018, dự kiến khoảng 3,5% - 4% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động. Mức tăng này còn được điều chỉnh theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,3%-1,8% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Đặc biệt, trong dự thảo lần này có sự thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tổng hợp đề xuất của Bộ LĐTBXH, có 59/63 địa phương đề nghị giữ nguyên địa bàn áp dụng mức lương vùng như hiện hành. Tuy nhiên, có 4 địa phương đề nghị điều chỉnh một số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể: UBND thành phố Hải Phòng đề nghị điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với huyện Kiến Thụy và huyện Cát Hải; UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với huyện Gia Bình và huyện Lương Tài; UBND tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo; UBND tỉnh Tiền Giang nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với huyện Châu Thành, vùng IV lên vùng III đối với huyện Tân Phước. 

Như vậy, cả 4 địa phương đều đề xuất thay đổi áp dụng mức lương tối thiểu vùng  cho 8 huyện trực thuộc theo xu hướng tăng lên.

Tốt cho người lao động

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, việc đề xuất điều chỉnh nâng vùng của các địa phương trên là có cơ sở vì các điều kiện hạ tầng, thu nhập,… Bộ này ủng hộ và đề xuất Chính phủ điều chỉnh nâng vùng của các địa phương để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn giáp ranh, lận cận. Về thời điểm áp dụng, Bộ đề xuất thời điểm từ ngày 1.1.2019.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất do nhà nước quy định và DN không được trả thấp hơn. Việc đề xuất để người lao động được nhận mức lương cao hơn thì quá tốt và chúng ta luôn khuyến khích DN làm như vậy. Vấn đề cốt lõi là các DN thỏa thuận được các mức lương cao hơn tương ứng với đề xuất nói trên.

“Các địa phương đưa ra mức áp dụng vùng nâng lên phải có sự thống nhất với các DN trên địa bàn - vì họ là người trả lương, nếu các DN thống nhất thì không có vấn đề gì,”- ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, trên thực tế, việc các địa phương đề nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng ít khi diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn