MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở huyện Đam Rông tham gia lớp dạy nghề sửa chữa và lắp đặt thiết bị điện. Ảnh: Bảo Lâm

Đam Rông, Lâm Đồng gắn việc dạy nghề với nâng cao thu nhập cho người dân

Phan Tuấn LDO | 19/12/2023 09:47

Lâm Đồng - Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tiếp sức cho lao động nông thôn thoát nghèo

Những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng tăng cường thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá về công tác dạy nghề trên địa bàn, ông Dương Tất Phong, Trưởng Phòng Lao động và Thương binh - Xã hội huyện Đam Rông cho biết, hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Qua khảo sát công tác đào tạo nghề cho thấy, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông tổ chức trao tín chỉ cho người lao động trên địa bàn huyện. Ảnh: Bảo Lâm

Người lao động sau khi học nghề đã biết cách giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Thông qua các lớp dạy nghề người lao động nông thôn đã biết vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi, làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình.

Đơn cử như trường hợp của chị Cil K' Jôn, ở xã Đạ M'rông vừa qua đã được học nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo chị Cil K' Jôn, thông qua các kiến thức được truyền dạy từ lớp học, chị đã biết cách áp dụng vào trong khâu trồng dâu nuôi tằm.

"Với các kiến thức bổ ích ở lớp dạy nghề tôi đã chăm sóc, phát triển 3 sào đất trồng dâu nuôi tằm hiệu quả. Hiện nay, hàng tháng gia đình tôi đang có nguồn thu nhập từ 14 - 16 triệu đồng" - chị Cil K' Jôn phấn khởi.

Đào tạo nghề sát với thực tiễn

Theo UBND huyện Đam Rông, hàng năm, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các đơn vị chức năng khác sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Sau khi được học nghề trồng dâu nuôi tằm, chị Cil K' Jôn đã phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: Bảo Lâm

Trên cơ sở đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông đã chủ động xây dựng thông tin học nghề, phương án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh rộng rãi đến mọi người dân.

Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và UBND các xã, thị trấn để chỉ đạo trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn trực tiếp làm việc với UBND các xã về việc tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, trực tiếp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển sinh, đào tạo...

Theo Trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông, công tác đào tạo nghề đều được đơn vị thông qua việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động.

Công tác dạy nghề sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho huyện Đam Rông. Ảnh: Bảo Lâm

Từ đó, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của từng xã trên địa bàn huyện, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.

Nhìn chung, chương trình đào tạo nghề đã đáp ứng được yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông đã tổ chức đào tạo 26 lớp dạy nghề với 474 học viên hoàn thành khóa học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn