MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Hồng Vân (người đứng) đề xuất Đại hội XIII Công Đoàn Việt Nam cần có quyết sách để bảo vệ cán bộ Công đoàn tốt hơn. Ảnh: Nam Dương

Đào tạo nâng cao trình độ, quan tâm, bảo vệ cán bộ Công đoàn

Nam Dương LDO | 02/12/2023 06:59

TPHCM - Nhiều cán bộ công đoàn (CĐ) mong muốn Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ có những quyết sách để đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động và quan tâm, bảo vệ cán bộ CĐ.

Bảo vệ tốt hơn cán bộ công đoàn

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam - nêu thực trạng, hiện nay, gần 100% cán bộ CĐ tại cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước hay có vốn đầu tư nước ngoài.

Bà Vân cũng cho rằng, cán bộ CĐCS hiện nay có rất nhiều việc phải làm, nếu không có sự tâm quyết, nỗ lực rất cao và thường xuyên phải làm ngoài giờ làm việc thì mới thực hiện được hết nhiệm vụ tại cơ sở. Nhiều cán bộ CĐ phải cố gắng, nỗ lực gấp bội so với những quản lý khác đồng cấp để vừa làm tốt công việc chuyên môn và vừa thực hiện công việc CĐ. Đôi khi cán bộ CĐ phải chấp nhận sự hi sinh đánh đổi rất lớn, vì nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, làm việc CĐ không có nghĩa là giảm thời gian làm việc chuyên môn.

Hoàn thành công việc chuyên môn là điều kiện tiên quyết đầu tiên đối với cán bộ CĐCS, vì nếu không làm được việc chuyên môn thì không thể làm việc của CĐ.

Bà Vân kiến nghị: "Để cán bộ CĐCS, nhất là chủ tịch CĐCS, có thể yên tâm hoạt động, có thể dám đấu tranh vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, thì đại hội cần có quyết sách xây dựng tạo nguồn kinh phí đủ mạnh để có thể thu hút đội ngũ cán bộ CĐ có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.

Và đặc biệt là phải bảo vệ được cán bộ CĐ, hỗ trợ họ về tài chính, tìm việc làm mới nếu chẳng may bị doanh nghiệp trù dập, sa thải, thì cán bộ CĐ mới có thể yên tâm hoạt động, mạnh dạn đấu tranh vì đoàn viên, người lao động (NLĐ)".

Chăm lo, đào tạo cán bộ công đoàn

Ông Võ Khắc Bình - Chủ tịch LĐLĐ Quận 7, TPHCM - nhận xét: Chúng ta đã nói nhiều đến việc xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ, nhưng cũng cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ CĐ thuê, mua.

Vì thực tế hiện nay, có nhiều cán bộ CĐ vẫn còn rất khó khăn, phải đi thuê nhà bên ngoài hay ở chung với gia đình. Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân (CN), NLĐ thuê.

"Đại hội XIII CĐ Việt Nam cũng cần đề ra nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ CĐ có hoàn cảnh khó khăn thuê, mua, như thế họ mới yên tâm cống hiến cho tổ chức. Đại hội cũng nên có khung tiêu chí để đánh giá cán bộ CĐ trong tình hình mới theo xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh giá và trong thực thi công việc" - ông Bình nói.

Ông Võ Khắc Bình (bên phải) đến tận phòng trọ của NLĐ để tặng quà trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐCS Công ty Nidec Việt Nam - nêu thực tế, hiện nay, đại đa số cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm, được NLĐ tín nhiệm bầu làm công tác CĐ, nhưng hầu hết đều chưa được đào tạo bài bản về lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động CĐ.

Theo ông Hồng, trong thời gian tới, khi có tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, tổ chức CĐ sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Vì vậy, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cần đề ra những chủ trương, chính sách để nâng cao trình độ cho cán bộ CĐ, nhất là ở CĐCS.

"Trước mắt cần chuẩn hóa trình độ về lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động CĐ cho ban chấp hành CĐCS tùy theo quy mô đoàn viên, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và mức độ phức tạp ngành nghề để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới" - ông Hồng đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn