MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đào tạo học nghề cho hơn 1.000 người thất nghiệp. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

HOÀNG LỘC LDO | 09/07/2023 08:58

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tổ chức và phối hợp với hợp các cơ sở dạy nghề đào tạo cho hơn 1.090 người nhận trợ cấp thất nghiệp đạt chỉ tiêu 109%.

Ngoài trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng người lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp họ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã đào tạo nghề cho 1.090 người nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Chị Lê Thị Hoa (45 tuổi), ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - vừa hoàn thành lớp may công nghiệp sau 1,5 tháng theo học - chia sẻ: “Bản thân tôi có hơn 10 năm làm việc tại công ty giày da ở TP Hồ Chí Minh nhưng phải nghỉ việc vì công ty không có đơn hàng từ đầu năm 2023. Khi xin việc làm mới thì khó, do chỉ biết làm bên giày không có chứng chỉ nghề, nên tôi chọn học may để xin việc cũng dễ hơn”.

Theo chị Hoa, trong thời gian theo học còn được Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu một số công ty, cơ sở may để xin vào làm. Hiện tại, chị đã nhận may gia công tại nhà cho một công ty ở TP Vĩnh Long.

Cũng chung hoàn cảnh thất nghiệp do công ty cũ gặp khó khăn, anh Lê Văn Hậu (48 tuổi) ở huyện Trà Ôn, cho biết: “Mình lớn tuổi xin việc làm mới rất khó. Khó hơn là trong tay không có gì chứng minh là có tay nghề. Được Trung tâm giới thiệu một số ngành nghề hiện đang có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều, tôi đã chọn học lái xe nâng”.

Chưa kết thúc việc đào tạo, anh Hậu đã được nhận vào thử việc tại công ty sản xuất tôn ở Hòa Phú, huyện Long Hồ. Sau giờ làm, anh giữ kho hàng vào buổi tối để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngoài trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng BHTN còn được hỗ trợ học nghề. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long - thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tư vấn cho hơn 37.500 lượt người thất nghiệp và giải quyết cho 7.836 người nhận trợ cấp thất nghiệp, số còn lại chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp và đã tìm được việc làm mới.

Theo ông Kiệt, năm 2023, Trung tâm đặt chỉ tiêu đào tạo cho 1.000 người thất nghiệp được học nghề, giúp họ có chứng chỉ tìm việc làm mới được dễ hơn và chỉ trong 6 tháng đã đào tạo vượt chỉ tiêu đạt 109%.

Ngoài nhận tiền BHTN, người lao động còn được hỗ trợ chi phí học nghề 100%. Riêng học lái xe hạng B2, hạng C thì học viên đóng thêm một khoản do vượt quá số tiền hỗ trợ 9 triệu đồng/người.

“Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn, như: Cắt tóc nam, nữ; trang điểm chuyên nghiệp; kỹ thuật pha chế đồ uống… giúp học viên sau khi tốt nghiệp có thể tự mở cơ sở riêng cho bản thân”, ông Kiệt cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn