MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nghề sửa chữa ôtô, điện dân dụng tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật, công nghệ Tuyên Quang. Ảnh: Văn Tùng

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường

Văn Tùng LDO | 29/06/2024 07:00

Trên nhu cầu thực tế của lao động nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, công tác đào tạo nghề đã có những điều chỉnh phù hợp. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giải quyết việc làm tại chỗ hiệu quả.

Căn cứ theo nhu cầu của người lao động

Trở về quê sau gần 2 năm đi nghĩa vụ quân sự, anh Trần Văn Hoàn ở xã Thanh Bình (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) quyết định đi học nghề sửa chữa ôtô tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Đây là kết quả của quá trình khảo sát rất kỹ lưỡng tại địa phương cũng như nhu cầu thực tế của bản thân.

“Tôi đã theo học tại trường được gần 2 năm. Sau khi ra trường tôi sẽ về làm việc tại một gara sửa ôtô tại trung tâm huyện” - anh Hoàn cho biết.

Theo ông Nhữ Văn Thanh - phụ trách tuyển sinh, liên kết và giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng nghề Tuyên Quang) đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng là một trong những tiêu chí tuyển sinh của trường nhiều năm nay. Việc này không chỉ giúp chọn lọc đầu vào mà còn giúp học viên ra trường có việc ngay.

“Khoảng gần 5 năm nay tỉ lệ học viên ra trường có việc làm đạt hơn 85% với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Những ngành thu hút nhiều học viên, đặc biệt là lao động tại nông thôn đến học như cơ khí, sửa chữa ôtô, điện dân dụng” - ông Thanh cho hay.

Từ hơn 1 năm nay, anh Nông Văn Vương, ở xã Thượng Nông (huyện Na Hang, Tuyên Quang) đã không còn phải đưa chiếc máy cày của gia đình lên tận trung tâm huyện cách nhà hơn 20km để sửa khi bị hỏng. Sau khi được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, anh đã tự sửa chữa, bảo dưỡng được máy nông nghiệp trong nhà.

Đôi tay đã thuần thục với việc sửa chữa, hiện tại nghe tiếng máy nổ là anh Vương có thể biết được máy cày, máy tuốt lúa bị hỏng chỗ nào.

“Tôi thấy dạy nghề sửa chữa máy nông cụ cho người dân có rất nhiều tác dụng, bây giờ tôi tự sửa chữa máy tại nhà, sửa giúp bà con trong thôn để chủ động sản xuất không phải đợi chờ mỗi khi máy hỏng. Thay vì hỗ trợ tiền thì việc đào tạo nghề cho bà con thế này hiệu quả hơn nhiều” - anh Vương chia sẻ.

Nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề

Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của tỉnh Tuyên Quang, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp giải quyết việc làm tại chỗ, quan trọng hơn việc này đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000 đến 10.000 học viên. Mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang đến hết năm 2025 phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, trong đó công tác đào tạo nghề được xác định giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm đặc biệt tại các khu vực nông thôn, tạo sinh kế bền vững và từng bước kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Trao đổi với PV, ông Tô Hoàng Linh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang - cho hay, năm 2024 tỉnh đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.550 lao động với tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỉ lệ có bằng, chứng chỉ là 28%.

Hiện nay, các địa phương đang rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng học sinh trung học phổ thông mới tốt nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn