MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân PouYuen mất việc vào tháng 2.2023 nhận hàng về nhà làm để kiếm thu nhập. Ảnh: Phương Ngân

Đào tạo nghề cho người lao động trước làn sóng cắt giảm kéo dài

Phương Ngân LDO | 02/06/2023 07:31

Đơn hàng sụt giảm kéo dài khiến các doanh nghiệp khó cầm cự sản xuất và duy trì đội ngũ công nhân lao động. 

Cắt giảm lao động tiếp tục gia tăng

Theo báo cáo của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thì đa số các doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát có 82,3% dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong số doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, 22,2% dự kiến giảm trên 50%. TP Hồ Chí Minh có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động, chiếm tỉ lệ cao nhất 25,8%, kế tiếp là Bình Dương với 24%. Ban IV dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ có thể tiếp diễn ở các tháng cuối năm do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3.2023 cho thấy, so với thời điểm cuối năm 2022 có 30,75% doanh nghiệp có lao động giảm; 50,65% doanh nghiệp giữ nguyên lao động và 18,6% doanh nghiệp có lao động tăng. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, dệt may, xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm.

Trong quý II/2023, dự kiến 71,78% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, 20,95% dự kiến tăng và 7,27% dự kiến giảm lao động vì những lí do như thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng lao động hết hạn…

Thực hiện chính sách an sinh và đào tạo nghề cho lao động

Tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tháng 6.2023, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận vấn đề an sinh xã hội trong những tháng tới sẽ rất khó khăn. Phải xem xét cần thiết có các chính sách an sinh hỗ trợ như đợt dịch COVID-19 vừa qua hay không? Lãnh đạo TP cho rằng cần tạo sự chủ động, phải dự báo và đi trước, không để rơi vào tình trạng bị động, trở tay không kịp. Gốc rễ của vấn đề là cần có chính sách phù hợp và sự phối hợp với truyền thông để giải quyết.

Trước tình hình lao động bị cắt giảm khá nhiều, về lâu dài cần phải chuyển sang hình thức đào tạo nghề. Lãnh đạo TP khẳng định việc đào tạo nghề cũng là chính sách vừa đảm bảo an sinh vừa đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao khi kinh tế phục hồi.

Theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM - đưa việc hỗ trợ người lao động vào chính sách là điều mong muốn rất lớn của tổ chức công đoàn TP, để làm sao chính sách đồng hành cùng đời sống và việc làm của NLĐ, chứ không phải chỉ là những hoạt động chăm lo có tính chất thời điểm hoặc đột xuất.

“Chúng tôi mong làm sao những chính sách về việc làm, về thu nhập, nhà ở và những phúc lợi khác trong cuộc sống phải đến gần hơn và thường xuyên hơn với đoàn viên, công nhân, NLĐ của mình” - ông Trung chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn