MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học chị H đang theo học để làm công việc mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đào tạo nghề để công nhân tìm được việc làm mới

Quế Chi LDO | 13/09/2023 08:14

Mất việc sau nhiều năm làm công nhân khiến không ít lao động lo lắng, bối rối. Theo các chuyên gia, hỗ trợ đào tạo nghề là khâu quan trọng để công nhân nhanh tìm được cơ hội việc làm mới.

Không dễ dàng khi tìm việc mới

Sau 14 năm làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), mới đây chị Nguyễn Thị Thanh (quê Vĩnh Phúc) bị mất việc.

Một số đồng nghiệp của chị Thanh về quê sau khi mất việc, nhưng nữ công nhân này quyết định vẫn thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Lý do là vì chồng chị Thanh đã có công việc thu nhập tốt; việc học tập của các con đang ổn định.

“Tôi về quê thì gia đình sẽ rơi cảnh mỗi người một nơi. Nếu cả gia đình đều về quê thì sẽ không phải thuê nhà, nhưng lại rất khó tìm việc cho cả 2 vợ chồng. Ở tuổi đều đã ngoài 30 như chúng tôi, kiếm việc mới không phải là điều dễ dàng, nhất là ở quê” - người mẹ 2 con này cho biết.

Sau khi mất việc, chị Thanh không có ý định tiếp tục làm công nhân. Từ giới thiệu của một người bạn, chị Thanh xin làm công tác tuyển sinh cho một trường dạy nghề có trụ sở tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nửa tháng nay, hằng ngày chị đến trường để học nghề, học các kỹ năng như: Giao tiếp, bán hàng, “chạy” quảng cáo trên mạng…

“Công việc mới đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn mới mà tôi không có được khi làm trong nhà máy. Tôi giống như một người bắt đầu lại từ đầu khi tuổi đã cao, sức khỏe, sự nhanh nhẹn cũng kém...” - chị Thanh nói.

Từ khi đến “thực tập” tại trường đến nay, chị Thanh chưa mời được khách nào, vì vậy chưa có thu nhập.

“Nếu mời được người vào học trong trường, tôi mới được hưởng hoa hồng, có thu nhập” - nữ công nhân mất việc cho biết.

Cần phải quan tâm đến đào tạo nghề mới sau khi mất việc

Khác với chị Thanh, sau khi mất việc, chị N.T.H (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) đi tìm việc trong khu công nghiệp nhưng không công ty nào nhận do đã quá tuổi.

Một người hàng xóm thấy chị khó khăn khi kiếm việc làm đã rủ chị đi làm công việc tuyển người đi lao động nước ngoài; đi học và môi giới bất động sản. Vừa qua, sau quá trình học tập chăm chỉ, chị vẫn chưa thể vượt qua kỳ thi sát hạch (chỉ được 38/50 câu), nên chưa được vào nhóm chính thức đi làm.

“Những công việc này đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn mới mà tôi rất yếu nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dù tôi khá hoạt ngôn nhưng nghề này đòi hỏi các kiến thức nền khác về pháp lý cũng như các kỹ năng mềm khác - những thứ tôi rất thiếu” - chị H tâm sự. Nếu được nhận vào làm chính thức, chị H sẽ có thu nhập từ khoản hoa hồng khi mời được khách hàng, chứ không có lương cứng.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, đối với những người lao động mất việc, đằng sau họ là cả gia đình, con cái, nên việc di chuyển đến địa phương khác để có công việc mới gặp rất nhiều khó khăn.

“Số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động, lao động giản đơn, lao động có tuổi. Người lao động trong trường hợp này rất khó tìm việc làm” - ông Quảng nói.

Theo ông Lê Đình Quảng, bên cạnh doanh nghiệp cần phát triển sản xuất để tăng nhu cầu tuyển dụng thì bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới.

“Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp” - ông Quảng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn