MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình". Ảnh: Sơn Tùng

Dấu ấn Nguyễn Đức Cảnh: Nhà lãnh đạo sáng ngời của phong trào công nhân

VƯƠNG TRẦN – TẤT THẢO (LƯỢC GHI) LDO | 01/02/2018 15:15
Ngày 1.2, tại Thái Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”.

Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam; ông Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu...

Chiến đấu tới hơi thở cuối cùng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết:  Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam. Người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sớm nhận thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân đặc biệt sứ mệnh của công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; sớm nhận thấy sự cần thiết phải thành lập Đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Tùng

Đồng chí là một trong những người đề nghị thực hiện “vô sản hóa”, giúp những người cán bộ cách mạng xuất thân từ thanh niên trí thức hiểu rõ hơn cuộc sống của người công nhân, thực sự đứng lên trên lập trường của giai cấp công nhân và thúc đẩy phong trào công nhân phát triển một cách mạnh mẽ.

Để tập hợp và nâng cao giác ngộ của công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập và trở thành Hội trưởng đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay. Đồng chí hết sức chú trọng, biên soạn tài liệu, đào tạo cán bộ mới làm nòng cốt trong phong trào công nhân.

Trong phong trào cách mạng sôi nổi sau ngày Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được cử tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh sôi nổi và oanh liệt của Xô viết - Nghệ Tĩnh.

Kẻ địch tiến hành “khủng bố trắng”, đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh và ráo riết lùng bắt các cán bộ lãnh đạo như Nguyễn Đức Cảnh. Bất chấp nguy hiểm rình rập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn bám sát phong trào quần chúng, động viên giáo dục và tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố trắng. Bị sa vào tay kẻ địch và bị tra tấn tàn bạo, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người Cộng sản, kiên trung với Đảng và dân tộc, bất khuất trước kẻ thù.

Tác phẩm “Công nhân vận động”, đồng chí viết trong xà lim, án chém là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ để chắt lọc những kinh nghiệm quý báu cho Đảng, phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

Tấm gương kiên trung, bất khuất

Tại hội thảo khoa học, ông Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng khẳng định: Thái Bình là vùng đất ươm gieo hạt giống cách mạng, ngay từ đầu năm 1927 đã sớm ra đời những chi bộ “thanh niên” đầu tiên ở làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải và ở trường Minh Thành, thị xã Thái Bình. Đến cuối tháng 6.1929, dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hàng loạt phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh từ khi còn trẻ đã nguyện dấn thân vào sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân. Tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ngay từ lúc còn là học sinh đang học tập trong nhà trường. Chính những tri thức văn hóa, những hiểu biết về phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX cùng với những hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân là những cơ sở quan trọng để đồng chí giác ngộ về lập trường giai cấp công nhân.

Ông Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Sơn Tùng

Sau khu tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giao nhiều trọng trách. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh ngày đêm lăn lội với phong trào, đến từng cơ sở để tuyên truyền, giáo dục và động viên đảng viên, quần chúng giữ vững niềm tin và bảo vệ Đảng trước sự truy nã, bắt bớ của kẻ thù. Sự có mặt của đồng chí, trên một địa bàn khốc liệt trong cuộc “khủng bố trắng” của kẻ thù, là một minh chứng cho tinh thần chiến đấu, bản lĩnh và ý chí cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Tại đây, đồng chí đã chắp nối liên lạc, gây dựng phong trào, động viên và tổ chức quần chúng nhân dân. Khi bị địch bắt và tra tấn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn không hề nao núng, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã sống và chiến đấu một cuộc đời gian khổ và đã anh dũng hi sinh, nêu tấm gương sáng của một người Cộng sản kiên trung, bất khuất với các thế hệ cách mạng đời sau.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (sinh ngày 2.2.1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh) nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong 7 năm nhưng để lại dấu ấn sâu đậm. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo con đường mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra và đi tiên phong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn