MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đẩy mạnh các hoạt động đại diện, bảo vệ, chăm lo người lao động 

QUẾ CHI LDO | 16/01/2019 14:26
Ngày 15.1, tại trụ sở Tổng LĐLĐVN, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 2 (khóa XII) tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Tại hội nghị, nhiều nội dung về đại diện, bảo vệ chăm lo quyền, lợi ích cho đoàn viên; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là ở cơ sở được các đại biểu tập trung thảo luận.

Xây dựng đội ngũ luật sư công đoàn

Theo Tờ trình về việc ban hành “Đề án Tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, NLĐ”, đề án đặt chỉ tiêu 100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, CĐ TCty tổ chức thực hiện ít nhất 1 hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, đến năm 2021, có ít nhất 50% thiết chế CĐ/các KCN, KCX, KKT đặt hệ thống các máy/kios tư vấn pháp luật tự động; xây dựng ít nhất 1 ứng dụng tư vấn pháp luật tự động sử dụng được trên điện thoại thông minh. Đến năm 2020, một số địa phương có số lượng đoàn viên, NLĐ, CĐCS lớn, công nghiệp, dịch vụ phát triển, quan hệ lao động phức tạp có ít nhất 1 cán bộ chuyên thực hiện tư vấn pháp luật trực tuyến (dành ít nhất 60% tổng thời gian làm việc)

Đề án Xây dựng đội ngũ luật sư CĐ giai đoạn 2019-2023 đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2023, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng được ít nhất 50 luật sư CĐ. Trong đó, từ năm 2019-2021, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng được từ 25-30 luật sư CĐ. Đến năm 2023, ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức CĐ có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện CĐ (chủ yếu là đội ngũ luật sư) tham gia.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, ngoài tư vấn pháp luật, tại các trung tâm còn hình thành đội ngũ chuyên gia về thỏa ước, hỗ trợ tại DN xây dựng TƯLĐTT và đội ngũ này hình thành từ đề án luật sư xây dựng đội ngũ luật sư CĐ. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung này, nhất là về cách thức thực hiện. Nhiều đại biểu cho rằng nên thí điểm trước tiên tại 5 địa phương.

Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết ở cấp Tổng LĐLĐVN sẽ thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ NLĐ trực thuộc Ban Quan hệ lao động; bước đầu củng cố các trung tâm tư vấn pháp luật của CĐ tại 5 địa phương. Ở đây vấn đề quan trọng nhất là con người, nhất là người đứng đầu trung tâm cũng như cơ chế hoạt động của các trung tâm. Các trung tâm hoạt động phải thực sự hiệu quả để thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo NLĐ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cấp cơ sở

Theo Tờ trình xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ nhất là Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong đó có phấn đấu trong nhiệm kỳ 2018-2023, mỗi năm lựa chọn từ 20-40 đoàn viên CĐ ưu tú, cán bộ CĐCS tiêu biểu để hỗ trợ đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học thuộc hệ thống CĐ nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cấp cơ sở.

Ngoài ra, xây dựng đề án tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và nhà khoa học trẻ về làm cán bộ CĐ. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2018-2023, có ít nhất 30 sinh viên xuất sắc tốt nghiêp loại khá, giỏi và nhà khoa học trẻ được tuyển chọn, rèn luyện qua thực tiễn ở cơ sở ít nhất 3 năm để bổ sung cho đội ngũ cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Tờ trình Chương trình đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của CĐ Việt Nam giai đoạn 2018-2023 đặt tầm quan trọng của xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước có bản lĩnh chính trị; nắm vững pháp luật lao động; có kỹ năng hoạt động quần chúng; tăng cường bố trí cán bộ chuyên trách ở CĐCS DN có từ 2.000 đoàn viên trở lên.

Đồng chí Bùi Văn Cường khẳng định công tác cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong 3 khâu đột phá được Đại hội XII CĐ Việt Nam xác định. “Muốn cán bộ CĐ tốt thì phải có tiêu chuẩn chức danh. Sắp tới, tổ chức CĐ phải xây dựng được tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ CĐ làm cơ sở cho việc tiếp nhận, điều động, tuyển dụng, đào tạo những cán bộ đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ công các” - đồng chí Bùi Văn Cường nói.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ; công tác tài chính CĐ; một số nội dung cần xem xét để xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ. Hội nghị cũng đã công bố kết quả đánh giá, xếp loại tập thể Đoàn Chủ tịch và cá nhân thành viên Đoàn Chủ tịch. Bên cạnh những nội dung đã được hội nghị thông qua, đối với những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu, đồng chí Bùi Văn Cường giao Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu ý kiến, hoàn thiện lại các văn bản, ban hành và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

* Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải trình bày Tờ trình về chỉ tiêu cơ bản thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Đoàn Chủ tịch đã thống nhất các chỉ tiêu cơ bản năm 2019 để gửi lấy ý kiến của 83 đầu mối, sau đó giao thực hiện, trong đó có: Kết nạp 487.616 đoàn viên CĐ; thành lập 2.757 CĐCS tại DN có từ 25 CNLĐ trở lên; giới thiệu 126.878 đoàn viên CĐ ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp; khởi công 3 dự án thiết chế CĐ (Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam), bàn giao 250 căn hộ cho người mua tại dự án thiết chế CĐ Hà Nam; ký kết TƯLĐTT ở 237 DN có tổ chức CĐ; ký mới 500 thỏa thuận hợp tác, trong đó Tổng LĐLĐVN ký 5 thỏa thuận, số đoàn viên được hưởng lợi ích 2 triệu người với số tiền hưởng lợi 600 tỉ đồng. Theo đồng chí Bùi Văn Cường, chỉ tiêu giao cho các đầu mối sẽ là cơ sở để đánh giá bình xét thi đua cuối năm.

* Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu trình bày báo cáo đề xuất quan điểm của CĐ đối với một số vấn đề lớn trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong các quan điểm của Thường trực Đoàn Chủ tịch là chọn phương án NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do, nhưng phải tuân thủ thời hạn báo trước. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần mở rộng quyền được lựa chọn việc làm cho NLĐ; nếu người sử dụng lao động muốn giữ chân NLĐ thì giải pháp là phải cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn