MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức đối thoại với người lao động ở các khu công nghiệp và tại các doanh nghiệp. Ảnh: H.A

Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình

HÀ NGUYÊN LDO | 24/05/2018 08:30
Năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện (BHXHTN) là 227.506 nghìn người, tăng 11,59% so với năm 2016 với số thu là 1.207.408 triệu đồng; có 14.891.952 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 30,97% so với năm 2016 với số thu là 8.578.434 triệu đồng. Đối tượng tham gia và số tiền thu hàng năm đối với BHXHTN và BHYT hộ gia đình năm sau đều tăng cao hơn năm trước.

Tỉ lệ tăng từ trên 10% đến 50%

Ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam - cho biết, chính sách BHXHTN được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2006; chính sách BHYT hộ gia đình được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật BHYT năm 2008 đến nay đã tổ chức thực hiện được 9 năm.

Theo BHXH VN, kết quả thực hiện về đối tượng tham gia BHXHTN và số tiền thu hàng năm đều tăng cao hơn so với năm trước với tỉ lệ tăng từ trên 10% đến 50%. Trong đó, đối tượng tham gia chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc (70%), đóng tiếp BHXHTN để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXHTN mới còn hạn chế khoảng 30% (sau 10 năm mới có 227.506 người), so với lực lượng lao động thì năm 2015 bằng 0,24%, năm 2016 bằng 0,22%, năm 2017 bằng 0,24% lực lượng lao động; tổng chung cả BHXH bắt buộc và tự nguyện năm 2017 đạt khoảng trên 25% lực lượng lao động.

Ông Mai Đức Thắng chỉ ra nguyên nhân người dân chưa quan tâm đến loại hình BHXHTN là do thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, không thường xuyên và do trước ngày 1.1.2018 chưa được Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Do nhiều người dân Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXHTN lúc trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Công tác truyền thông chưa được sâu, rộng.

Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXHTN. Quy định việc hỗ trợ mức đóng BHXH cho người tham gia chưa linh hoạt và phương thức đóng cũng chưa được linh hoạt, như nhiều người muốn truy đóng BHXHTN thời gian trước nhưng không thực hiện được. Chính sách BHXHTN chưa hấp dẫn người tham gia, chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (chưa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghệ nghiệp).

Thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu phải từ đủ 20 năm trở lên và có tuổi đời 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ mới được hưởng lương hưu là quá dài. Mức đóng còn cao so với thu nhập bình quân của người dân. Trước năm 2018 chưa được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, từ năm 2018 được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng việc hỗ trợ còn quá ít, chỉ mang tính chất tượng trưng, thiếu linh hoạt.

Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXHTN; chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXHTN.

Đối với BHYT hộ gia đình, số người tham gia năm 2015 là 9,25% so với dân số và đạt 111,87% so với năm 2014; năm 2016 là 12,27% so với dân số và đạt 134,44% so với năm 2015; năm 2017 là 15,84% so với dân số và đạt 130,97% so với năm 2016. Kết quả thực hiện về đối tượng tham gia và số tiền thu hàng năm cao hơn so với năm trước.

Nhận định nguyên nhân số người tham gia BHYT hộ gia đình so với tiềm năng rất hạn chế, ông Mai Đức Thắng chỉ ra, do người dân chưa quan tâm tới tham gia BHYT hộ gia đình do thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, không thường xuyên. Nhiều người dân Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHYT hộ gia đình để hưởng quyền lợi khi bị ốm đau.

Công tác truyền thông chưa được sâu, rộng. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHYT hộ gia đình; chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nên mở rộng chế độ hưởng BHXHTN

Nhằm phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXHTN và BHYT hộ gia đình, ông Mai Đức Thắng cho rằng, cần tổ chức đối thoại với người lao động ở các khu công nghiệp, ở doanh nghiệp và dân cư với người dân ở nông thôn để truyền thông về chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí trong và ngoài ngành về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT để định hướng công tác truyền thông. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Mở rộng mạng lưới đại lý thu, mở điểm thu tới thôn, bản, xóm, ấp thuận lợi cho người dân khi tham gia; đào tạo kỹ năng khai thác và chính sách BHXH, BHYT.

Đại diện BHXH VN kiến nghị với Quốc hội nên tiếp tục bổ sung, sửa đổi Luật BHXH để mở rộng chế độ hưởng BHXHTN của người tham gia BHXHTN khi thu nhập của người dân được nâng lên; cho phép người tham gia BHXHTN được truy đóng BHXHTN cho thời gian về trước. Nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXHTN và đưa mức hỗ trợ tiền đóng vào qui định trong luật.

Đối với Chính phủ, BHXH VN kiến nghị, giao chỉ tiêu phát triển BHXHTN, BHYT hộ gia đình cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, coi đây là chỉ tiêu phát triển KTXH của địa phương. Đề nghị MTTQ, các đoàn thể xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXHTN, BHYT.

Bổ sung kinh phí tuyên truyền cho BHXHVN để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến đại đa số người dân, giao trách nhiệm tuyên truyền chính sách BHXHTN cho các cấp, các ngành cùng thực hiện; nâng mức thù lao đại lý thu BHXHTN, BHYT hộ gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn