MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học viên ở huyện Đắk Glong phấn khởi tham gia khóa đào tạo nghề dệt thổ cẩm được tổ chức trên địa bàn. Ảnh: Bảo Lâm

Dạy nghề cho bà con dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm

BẢO LÂM LDO | 04/12/2023 16:58

Những năm qua, UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã thường xuyên quan tâm, tổ chức nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng.

Cách đây mấy tháng, chị H'Jang, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã tham gia khóa đào tạo nghề dệt thổ cẩm sơ cấp, miễn phí được tổ chức tại địa phương.

Chị H'Jang rất vui mừng, phấn khởi bởi khi Nhà nước đã bỏ kinh phí để mời các nghệ nhân có trình độ, tay nghề cao về giảng dạy, truyền đạt các kỹ năng cho bà con nơi đây có thể tạo ra các sản phẩm thổ cẩm có hoa văn, họa tiết sắc nét, tinh xảo...

Theo chị H'Jang, lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm rất bổ ích cho bản thân chị và nhiều người ở địa phương vì nó không chỉ giúp người dân tộc thiểu số bảo tồn được nét đẹp văn hóa do ông bà, tổ tiên để lại.

Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch cộng đồng đang phát triển thì việc biết và phát huy nghề dệt thổ cẩm cũng là một thế mạnh để bà con sau này có thể kết hợp phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập cho gia đình.

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong, trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức tổng kết và xét tốt nghiệp 2 lớp nghề dệt thổ cẩm với 57 học viên tham gia.

Kinh phí thực hiện thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu của khóa đào tạo nghề sơ cấp nhằm giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở các bon, làng trên địa bàn huyện giữ gìn, khôi phục và phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc ở Tây nguyên.

Những tấm thổ cẩm có hoa văn sắc nét, tinh xảo do các học viên tạo ra sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề sơ cấp. Ảnh: Bảo Lâm

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong, trong quá trình đào tạo, các học viên phải tham gia đầy đủ, hoàn thành các yêu cầu do các nghệ nhân đứng lớp đề ra.

Các nghệ nhân sẽ đánh giá học viên dựa trên số ngày tham gia học tập, kỹ năng sau khi học nghề và đặc biệt là các sản phẩm do chính tay học viên làm ra.

Theo đánh giá, với những kiến thức cơ bản, sau khi tốt nghiệp các học viên sẽ có lý thuyết cơ bản, trình bày được quy trình giăng sợi, trên các loại khung giăng sợi, khung dệt khác nhau.

Đặc biệt, các học viên sẽ thực hiện đúng kỹ thuật tạo mẫu một số hoa văn cơ bản, tạo nên các trang phục và vật dụng truyền thống khác nhau như: Túi, váy nữ, áo nữ, áo nam...

Theo ông Hoàng Huy Tùng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong, khóa đào tạo nghề sơ cấp dệt thổ cẩm được tổ chức ở địa phương đã góp phần nâng cao ý thức, niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

"Hoạt động dạy nghề dệt thổ cẩm đã kịp thời động viên, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay, gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện" - ông Tùng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn