MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn tham gia quản lý, dạy nghề cho NLĐ mất việc vì COVID-19. Ảnh: LT

Dạy nghề cho lao động mất việc vì COVID-19

LỤC TÙNG LDO | 08/12/2021 13:00
Việc tổ chức Công đoàn tích cực tham gia tổ chức Chương trình “Dạy nghề cho NLĐ mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” (Chương trình) được xem như trao chiếc “cần câu” để chuyển nghề ổn định lâu dài.

Đang học đã có việc làm

Căn nhà nhỏ vốn là điểm vá xe hai bánh của anh Dương Văn Cường (Mỹ Khánh - Long Xuyên - An Giang) mấy ngày nay bỗng trở nên nhộn nhịp với hình ảnh đầy ắp những chiếc tủ lạnh từ xóm trên, xóm dưới đưa đến.

“Ngay sau ngày nhận Chứng chỉ, tôi đã được khách hàng mang tủ lạnh đến sửa” - trong căn nhà nhỏ la liệt những máy móc, ông Dương Văn Cường (1973) cựu học viên lớp “Điện lạnh gia dụng” của Chương trình vui mừng chia sẻ.

Theo trình bày của khách hàng, tủ lạnh có hiện tượng tuyết đóng dày, khả năng làm lạnh kém. Với kiến thức đã được trang bị, ông Cường nhận ra nguyên nhân do chết cầu chì nhiệt. Sau khi thay phụ tùng, ổn định xong, ông Cường bàn giao cho khách và nhận được lời khen. Dù được xem là thu tiền với giá rẻ hơn mặt bằng chung, nhưng lợi nhuận sau vụ sửa máy lạnh mang lại cho ông số tiền cao gấp nhiều lần so với 1 ngày vá xe trước đây. “Giờ tôi có thể nhận bất cứ máy lạnh nào. Bởi sau lưng tôi còn có nhiều thầy giáo sẵn sàng hỗ trợ” - ông Cường tự tin cho biết.

Và đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi thậm chí có học viên đã tìm được đơn hàng ngay khi đang theo học.

Dù mới học một nửa chương trình của lớp “Lắp đặt điện nhà”, nhưng ông Dương Văn Phết (1966, Mỹ Khánh, Long Xuyên, An Giang) đã được chủ nhà cấp 4 trong xóm mời đến lắp đặt dây điện. Có được nguồn thu nhập  ngay trong lúc học nghề, là tín hiệu tốt đối với NLĐ tự do như ông Phết, nhưng đó chưa phải là tất cả đối với các học viên tham gia Chương trình. Bởi đằng sau đó là cả sự gợi mở đầy hy vọng về tương lai tươi sáng ngay giữa đại dịch.

“Sửa xong, bật điện, máy vận hành tốt, tôi mừng với niềm vui nhân đôi” - ông Cường xúc động nhớ lại. Là người khuyết tật ở chân, không thể bươn chải các nghề nặng nhọc, ông Cường lấy nghề vá xe hai bánh làm kế mưu sinh cho gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc đi lại bị hạn chế, ông không thể hành nghề, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn... thì ông được Chương trình nhận vào học.

Cho cả “cần câu” lẫn “xâu cá”

Sáng 6.12, tại buổi lễ khai giảng lớp “Lắp đặt điện nhà” tại Nhà Văn hóa Lao động An Giang, học viên Trần Văn Huyền (sinh năm 1983, ngụ phường Bình Đức, TP Long Xuyên, An Giang) háo hức chia sẻ: “Tôi rất an tâm để học thật tốt”. Bởi theo anh Huyền, không chỉ được miễn học phí, học viên còn được hỗ trợ nhiều khoản tiền trong thời gian học.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động An Giang (LĐLĐ tỉnh An Giang), thành viên Ban tổ chức Chương trình, xác nhận: Mỗi học viên được hỗ trợ 80.000 tiền ăn/ngày trong suốt khóa học, 500.000đ tiền đi lại và mức học bổng 2 triệu (nam) 2,5 triệu/người (nữ) và 3,5 triệu đồng/người khuyết tật chỉ với điều kiện duy nhất là hoàn thành chương trình đào tạo, được cấp Chứng chỉ”. Chính vì thế mà Chương trình không chỉ thu hút NLĐ tại chỗ mà còn giữ chân nhiều NLĐ từ tỉnh các tỉnh tạm về quê lánh dịch.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, công nhân đơn vị may ở TPHCM, đang theo học lớp lắp điện nhà tại điểm dạy xã Mỹ Khánh chia sẻ: “Sau khi học xong, có cái nghề,  em ở lại quê lập nghiệp”. Theo ông Trí, với chính sách “vừa cấp cần câu, vừa cho xâu cá”, không chỉ tạo điều kiện để NLĐ an tâm học tập mà còn hun đúc cho họ tinh thần vượt qua mọi trở ngại trong học tập.

Ông Đoàn Trọng Nhân, giảng viên Khoa Điện (Trường Cao đẳng Nghề An Giang) người trực tiếp tham gia Chương trình cho biết: “Có thể bị hạn chế về trình độ văn hóa, nhưng cái tinh thần muốn có nghề để thay đổi cuộc sống đã giúp các học viên vượt lên chính mình...”. Trong khi đó, với chủ trương dạy nghề để NLĐ làm được việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã linh động xây dựng giáo án thích ứng.

Theo đó chỉ dành 30% thời lượng cho phần lý thuyết, toàn bộ thời gian còn lại dành cho thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, cộng với trang bị thiết bị đầy đủ để thực hành thuần thục. Nhờ vậy mà tuy thời gian mỗi khóa học chỉ diễn ra trong 14-23 ngày (mỗi ngày học từ 6-8 giờ), nhưng nhiều học viên đã có được kỹ năng thiết thực. Hơn thế, nữa, nhà trường còn chủ trương tạo nhiều dây liên kết sau khi lớp học kết thức để hỗ trợ học viên. Nổi bật là việc tạo ra nhóm Zalo để học viên có thể gửi hình ảnh, clip về các vấn đề vượt khả năng hiểu biết để các thầy cô hỗ trợ học viên mọi lúc, mọi nơi... Chính cách làm mới này đã giúp cho An Giang làm được điều tưởng chừng không thể: Dạy cho NLĐ có trình độ, tay không không cao... chuyển đổi nghề mới với thu nhập ổn định, lâu dài giữa đại dịch.

Chương trình do Nhà Văn hóa Lao động An Giang, Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Tổ chức GIZ phối hợp tổ chức. Trước mắt, tập trung dạy các nghề đang có nhu cầu tuyển dụng, như: Lắp đặt điện nhà, điện lạnh gia dụng, điện thân xe... Theo kế hoạch, Chương trình sẽ duy trì đến năm 2023. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và hiệu quả thực hiện, các bên sẽ bàn bạc các bước đi tiếp theo một cách thích ứng. Trước mắt trong năm 2021, phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề với 120 học viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn