MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CTy Hiệp Hòa lúc còn sản xuất. Ảnh: L.Đ

Đẩy NLĐ ra đường, có thật Công ty Hiệp Hòa không còn tài sản để trả nợ?

Kỳ Quan LDO | 04/08/2022 15:29
Long An - Hàng trăm người lao động (NLĐ) bỗng chốc bị đẩy ra đường, không được chủ doanh nghiệp (DN) trả trợ cấp thôi việc với lý do DN không còn tài sản (bài “Hơn 6 năm đòi quyền lợi chính đáng, hàng trăm NLĐ vẫn trắng tay” trên Lao Động ngày 23.7.2022). Có thật DN không còn tài sản để trả nợ cho NLĐ?

Từ “mất hồ sơ” cho tới “hết tài sản”

Đầu năm 2016, Công ty CP Mía đường Hiệp Hòa (gọi tắt Công ty Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) ngưng hoạt động. Hơn 300 NLĐ bỗng chốc bị đẩy ra đường mà không có quyết định cho thôi việc, vì vậy họ không thể nhận được trợ cấp nghỉ việc và trợ cấp thất nghiệp mà lẽ ra họ được hưởng.

Giải thích về việc này, trong công văn ký ngày 2.5.2019 gửi lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Long An, ông Kumar Mohan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hiệp Hòa cho rằng: Công ty Hiệp Hòa bị niêm phong trụ sở và toàn bộ tài sản để kê biên đưa ra đấu giá. Sau khi đấu giá xong thì bàn giao toàn bộ trụ sở và tài sản cho bên trúng thầu, nên công ty không thể tiếp cận hồ sơ lưu trữ, chứng từ, sổ sách để giải quyết các chế độ cho NLĐ.

Ngày 12.7.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thời điểm đó - ông Nguyễn Văn Út (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) - đã chỉ đạo: Giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương rà soát, giải quyết tất cả chế độ cho NLĐ của Công ty Hiệp Hòa mà họ được hưởng, nhưng phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Không chỉ nợ NLĐ, Công ty Hiệp Hòa còn nợ nhiều nông dân trồng mía. Ảnh: L.Đ

Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận hồ sơ lưu trữ của mình, Công ty Hiệp Hòa vẫn không chịu ra các quyết định cho NLĐ thôi việc cũng như trả chế độ thôi việc.

Với sự trợ giúp của tổ chức Công đoàn, gần 300 NLĐ đã kiện ra tòa đòi công ty phải trả tiền trợ cấp thôi việc. Theo Sở LĐTBXH Long An, tính đến tháng 5.2022, TAND huyện Đức Hòa đã thụ lý và giải quyết 275 vụ “Đòi tiền trợ cấp thôi việc” của 287 NLĐ. Tòa án buộc Công ty Hiệp Hòa thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ tổng cộng hàng tỉ đồng. Trong đó, người được trả nhiều nhất là trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay bản án vẫn chưa được thi hành vì Công ty Hiệp Hòa không có tài sản để thi hành án.

Có thật Công ty Hiệp Hòa “không còn tài sản”?

Mới đây, bà N.T.T.T, một NLĐ trong Công ty Hiệp Hòa đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tỉnh Long An về việc ông Kumar Mohan (người đại diện Công ty Hiệp Hòa) trong khi còn nợ chế độ NLĐ trong công ty hàng tỉ đồng, đã “hào phóng” trả tiền “nợ lương” cho 1 người không làm việc trong công ty số tiền lên đến 186 triệu đồng.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, ông Mumar Mohan đã ra quyết định “Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)” với bà C.T.T.L mặc dù bà L. không làm việc trong công ty. Từ quyết định chấm dứt HĐLĐ này, bà L. đã kiện đòi tiền “nợ lương” và đã được ông Kumar Mohan đồng ý trả cho bà L. số tiền 186 triệu đồng.

Đây là trường hợp hiếm hoi được Công ty Hiệp Hòa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ và “trả nợ” mặc dù bà L. không có HĐLĐ với công ty, không có tên trong bảng lương, không đóng BHXH. Trong khi hàng trăm NLĐ khác có HĐLĐ đầy đủ lại không được Công ty Hiệp Hòa trả tiền trợ cấp nghỉ việc dù đã có bản án của tòa.

Cũng theo đơn tố cáo của bà T., ngoài phần tài sản đã bị kê biên và tổ chức đấu giá để trả nợ cho ngân hàng, hiện Công ty Hiệp Hòa còn sở hữu nhiều lô đất có giá trị nhiều tỉ đồng. Nếu đem bán một phần trong số đó, Công ty Hiệp Hòa cũng dư tiền trả trợ cấp thôi việc cho hơn 300 NLĐ mà công ty nợ dai dẳng nhiều năm qua.

Trong khi đó, một cán bộ tỉnh Long An có theo dõi vụ việc cho biết: Nợ nần của Công ty Hiệp Hòa khá phức tạp, không chỉ nợ ngân hàng, nợ NLĐ, mà còn nợ người nông dân trồng mía và các đơn vị khác.  

Ông H. - một NLĐ đang bị Công ty Hiệp Hòa nợ tiền chế độ hàng chục triệu đồng - bức xúc nói: “Chúng tôi biết công ty gặp khó khăn, nhưng NLĐ chúng tôi càng khó khăn hơn khi bất ngờ bị đẩy ra đường, phải theo đuổi thưa kiện nhiều năm qua mà không biết tới đâu. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền công khai cho NLĐ biết công ty nợ bao nhiêu, nợ ai, đã trả được bao nhiêu, còn bao nhiêu tài sản, khả năng trả tiếp thế nào…? Nếu NLĐ chúng tôi thấy không còn cơ hội đòi được nợ thì thà bỏ cho rồi để không tiếp tục tốn công vô ích!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn