MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GSTS Võ Tòng Xuân trao đổi cùng nhà báo Lê Thanh Nguyên - Trưởng VPĐD Báo Lao Động tại ĐBSCL - về việc tăng cường hiệu ứng xã hội của phụ trang ĐBSCL năm 2005.

Để Báo Lao Động là “địa chỉ đỏ” của người lao động và người sử dụng lao động

GS-TS, NGND, AHLĐ VÕ TÒNG XUÂN LDO | 26/05/2022 10:00
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Báo Lao Động thành lập Văn phòng đại diện tại ĐBSCL, tôi xin có lời chúc mừng đến Ban Biên tập và các phóng viên rất nhạy bén của tờ báo đã phục vụ người lao động rất hữu ích và kịp thời. Nhân đây tôi xin góp chút ý kiến để báo có thêm cơ sở tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới về chất lượng, tiếp tục phát triển lớn mạnh và xứng đáng với trọng trách là cơ quan ngôn luận của giai cấp công nhân thời hội nhập toàn cầu như đã từng sát cánh cùng Báo Lao Động trong thời gian qua.

Khẳng định tiếng nói của người lao động

Một vấn đề quan trọng mà cả người lao động và các cơ sở đào tạo lao động ở Việt Nam hiện nay đang rất mù mờ là những dự báo chiến lược về nhu cầu lao động trong nền kinh tế hội nhập. Ở nhiều nước tiên tiến, thí dụ như Hoa Kỳ, Bộ Lao động theo định kỳ công bố nhu cầu lao động của cả nước. Trên cơ sở dự báo đó mà các tầng lớp lao động biết sẽ học nghề gì; cũng như các cơ sở đào tạo trong cả nước, từ các trường cao đẳng cộng đồng (loại trường dạy đủ các kỹ năng nghề nghiệp mà địa phương cần) cho đến các trường đại học biết sẽ tổ chức giảng dạy ngành nghề gì để đáp ứng yêu cầu xã hội. Nhờ đó mà xã hội luôn có được nguồn lao động dồi dào đảm bảo thông suốt guồng máy phát triển.

Trong khi chờ đợi Bộ LĐTBXH làm được việc ấy, tôi nghĩ Báo Lao Động với tư cách là tiếng nói của người lao động, có thể có đủ sức để đóng góp cho xã hội những mảng chiến lược nhân lực bằng cách thu thập và tổng hợp những nguồn thông tin từ các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp trong cả nước và nhất là sự hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành. Tôi nghĩ rằng vấn đề “dự báo chiến lược lao động” sẽ trở nên một chuyên mục độc đáo của “LAO ĐỘNG”, rất “ích nước lợi nhà”, hạn chế được nghịch lý triền miên “việc thiếu người - người thiếu việc” và góp phần thực hiện chủ trương chống lãng phí, thực hành tiết kiệm lao động một cách thiết thực.

GSTS Võ Tòng Xuân nhận phần thưởng do Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM trao tặng.

Ngoài ra, tôi đề nghị nên mở thêm chuyên mục “Hướng dẫn cách cư xử, ứng xử trong lao động”. Thí dụ như đối với người xin việc, làm thế nào để được nhà tuyển dụng chấp nhận; người lao động làm gì để được sếp tin dùng, trọng dụng; hay người quản lý cần làm gì để phát huy chất xám, sự nhiệt tình ở bộ phận giúp việc... cũng là một cách tạo sức “nóng” thu hút bạn đọc một cách lành mạnh và bền vững.

Trong bối cảnh bùng nổ dân số, và cơn lốc đô thị hoá, công nghiệp hoá như hiện nay, việc mở thêm chuyên mục “Ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất” cũng là vấn đề mà theo tôi là người đọc đang rất trông chờ vào sự tham gia của Báo Lao Động. Đó không chỉ là vai trò phản ánh thực trạng trong nước, cung cấp các bài học từ nước ngoài để qua đó giúp cho cấp thẩm quyền kịp thời điều chỉnh giải pháp trên cơ sở vừa hài hoà lợi ích người dân, vừa đảm bảo nhu cầu phát triển...

Thí dụ, trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, nông trại lớn khiến nhiều lao động không còn đất sản xuất..., Nhà nước địa phương có thể tham khảo cách làm của Malaysia, sắp xếp lại lao động, đất đai và nhà ở để phát triển dầu cọ, đưa Malaysia lên tầm số 1 thế giới xuất khẩu dầu cọ. Mô hình này đảm bảo cuộc sống sung túc cho tất cả người dân bị thu hồi đất, giàu hơn khi họ còn ở chỗ đất cũ, đồng thời nhà đầu tư được giao đất vừa có được diện tích lớn để sản xuất, vừa bảo đảm có nguyên liệu tốt để chế biến thành thương phẩm nổi tiếng.

Theo đó Chính phủ quy hoạch xong khu đồn điền cọ dầu (như là một làng nhỏ sản xuất dầu cọ, bao gồm đất đai được phục hóa, trang bằng, làm đường giao thông nội vùng, phân lô đều nhau, 2 - 3 ha/lô để trồng cây cọ dầu, có một trung tâm tái định cư gồm vài trăm căn nhà, có nhà máy sơ chế hoặc chế biến dầu cọ, có khu chợ, thương mại, trường học phổ thông, bưu điện... ) thì bố trí những người dân không còn đất đai, chỗ ở tạm bợ, thiếu nghề nghiệp ổn định, vào những đồn điền này sinh sống lập nghiệp.

Mỗi hộ được giao một căn nhà và một lô đất, được ngành nông nghiệp của nhà máy dầu cọ huấn luyện nghề trồng cây cọ dầu, được ứng trước cây giống và phân bón. Nhiệm vụ các lao động của nông hộ là người nhỏ đi học, người lớn lo chăm sóc vườn cây làm cỏ, bón phân định kỳ, giữ vườn không bị ngập nước (vì Malaysia nằm trong vùng xích đạo nên có mưa quanh năm), phòng trừ sâu bệnh... Người lớn cũng có thể làm thêm các công việc ngoài đồng áng nếu có. Đến khi thu hoạch lao động thu hoạch cọ dầu và đưa đến nhà máy dầu cọ, trừ dần tiền đã vay trước đó cất nhà và nợ vật tư trồng cọ dầu. Cách làm như Malaysia sẽ giải quyết vấn đề đất đai nông dân cá thể, làm ăn manh mún bấp bênh với hàng trăm thương lái, và nhu cầu đất lớn của các dự án nông nghiệp của các nhà đầu tư lớn. Hội nghị Trung ương 5 đang bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hy vọng đây là cơ hội để Báo Lao Động đi đầu như một cách thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Sát cánh cùng Báo Lao Động

Để hiện thực hóa các ý tưởng trên, tôi sẵn sàng sát cánh cùng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL nói riêng, Báo Lao Động nói chung, trong việc phối hợp cùng các chuyên gia trong việc đưa ra các dự báo nhu cầu lao động để góp phần làm cầu nối ổn định giữa nhu cầu học việc và nhu cầu tuyển dụng lao động trong bối cảnh hậu COVID-19.

Được biết, qua đại dịch COVID-19 các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra sự thay đổi về nhu cầu mới trong sử dụng lao động làm việc tại các địa bàn khác nhau trong xã hội. Các chuyên gia của McKinsey - Công ty Tư vấn có uy tín thế giới - đã chỉ ra rằng việc áp dụng tự động hóa, cùng với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet của Vạn Vật (IoT), có khả năng tạo ra sự thay đổi cơ cấu sâu sắc trong lực lượng lao động ở Anh Mỹ - và sẽ được tăng lên bởi các xu hướng lớn khác như dân số già nua. Do đó, nhu cầu về các nghề như quản lý (bảo hiểm: chuyên làm yêu cầu bồi thường; giao hàng; bán tạp hóa, xe ô tô…), chuyên gia công nghệ (tin học - số hóa; sản xuất thịt và proteins; xây dựng cao ốc…) và chuyên gia y tế (chăm sóc bệnh nhân, người già…) có thể tăng gần 20% vào năm 2030. Trong khi nhu cầu về lao động trong lĩnh vực hành chính và thủ công sẽ có thể giảm mạnh.

Tại ĐBSCL và cả nước, nhu cầu lao động trong bối cảnh “bình thường mới” cũng sẽ cơ cấu lại với sự tham gia của chuyên viên tin học, số hóa, chuyên viên cơ khí các loại ở nông thôn, và nhiều hơn nữa, cần được dự đoán. Nếu nắm bắt thời cơ này, Báo Lao Động có thể giành lấy lợi thế đến với đông đảo bạn đọc. Trong đó có thêm một mục quảng cáo: “VIỆC CẦN NGƯỜI” và “NGƯỜI CẦN VIỆC” giúp giải quyết nhu cầu nơi thiếu và nơi thừa lao động... Lúc đó, Báo Lao Động sẽ là “địa chỉ đỏ” đối với cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn