MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam có những bữa ăn ca là phở kèm nhiều món phụ để đảm bảo sức khỏe cho buổi làm việc tiếp theo. Ảnh: Hà Anh

Để bữa cơm ca của công nhân như mong muốn

kiều vũ LDO | 01/09/2024 07:00

Qua trao đổi, khá nhiều công nhân hài lòng với việc công ty thay đổi thực đơn bữa ăn ca. Trong đó có món phở. Vì “Nếu muốn ăn phở thì tôi chỉ có thể đi ăn vào cuối tuần vì ngày thường vào ca sớm. Hôm nào làm ca chiều thì quán phở gần đây đã đóng cửa. Nhưng nói thật, giữa việc ra hàng ăn bát phở vài chục nghìn và ở nhà tự nấu phở, tôi chọn cách thứ 2” - chị Bùi Thị Thủy đang ở trọ gần Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội nói về phở.

"Phở quê tôi khác"

Chị Thủy quê ở Cao Bằng, xuống Hà Nội làm công nhân cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Nhà chị Thủy nằm trên con đường từ thành phố Cao Bằng đi Thác Bản Giốc, gần một quán phở mà khách du lịch thường dừng lại ăn sáng khi tham quan Thác Bản Giốc và Ngườm Ngao. Quán bán phở vịt quay, phở thịt lợn quay hoặc bát thập cẩm. Khi còn ở nhà, thỉnh thoảng chị Thủy đến quán ăn phở thịt lợn quay. Chị thích vị cay của măng khi ăn cùng phở.

Xuống Hà Nội làm công nhân, trong một lần vào trung tâm thành phố chơi cùng những người bạn xóm trọ, chị đã ăn phở Hà Nội. Chị kể, khi ấy vẫn ngỡ ngàng vì thấy bát phở ở đây là thịt gà luộc hoặc thịt bò tái, chín chứ không phải là thịt quay như ở quê. Làm ở Hà Nội hơn 6 năm rồi nhưng đấy là lần duy nhất chị Thủy ăn phở Hà Nội.

Lý do, như chị Thủy nói: “Vị phở quê tôi khác nhiều. Tôi xuống đây làm việc kiếm tiền để trang trải nhiều thứ nên hôm đấy trả tiền bát phở 40.000 đồng tôi tiếc lắm”. Vì thế dù nói là chỉ có thể đi ăn phở vào cuối tuần nhưng trong “kế hoạch” tuần của chị Thủy chưa bao giờ có thời gian cho việc này. Vào mùa lạnh, thỉnh thoảng chị rủ mấy chị em trong xóm trọ cùng làm món phở Cao Bằng bằng cách nấu nồi nước xương, mua bánh phở, mua thịt quay và lọ măng cay về chế biến.

Gia đình chị Hoàng Thị Sen đang trọ tại khu nhà dân ngay gần chân cầu Thăng Long có hai con đang học cấp 2. Chị Sen và chồng cùng làm trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ca làm việc hay lệnh nhau nên anh chị có thời gian chăm lo cho con, chỉ có điều thu nhập của anh chị còn gửi về nhà chữa bệnh cho bố mẹ cả hai bên nên mọi chi tiêu rất tằn tiện. Có những lúc các con muốn ăn phở, chị Sen đi chợ mua đồ về nấu tại nhà nếu có thời gian. Nếu không thì trong nhà luôn có sẵn thùng phở ăn liền để phục vụ bữa sáng, thậm chí cả bữa trưa, bữa tối nếu hôm đấy anh chị trùng ca làm.

“Được cái hai đứa trẻ cũng thích ăn phở ăn liền. Trước tôi cũng luộc ít thịt gà để các cháu cho vào phở ăn liền nhưng bọn trẻ chỉ thích ăn nguyên gia vị trong gói phở nên không cần có gì thêm” - chị Sen nói.

Thực tế cho thấy, để ăn một bát phở ngoài hàng, người lao động không chỉ phải tính toán về kinh phí mà còn về cả thời gian. Mặt khác với nhiều người, nhất là nam công nhân, bát phở ở quán không đủ để họ thấy no. Vì vậy cũng 30.000 - 40.000 đồng ăn bát phở họ sẽ ăn một suất cơm bình dân. Có nam công nhân còn nói với số tiền trả cho một bát phở thì họ mua được nhiều gói mì phục vụ những khi lỡ bữa không kịp đi chợ hoặc ăn khuya.

Bữa ăn ca có món phở của Công ty TNHH Điện tử Meiko. Ảnh: Công đoàn cơ sở

Bữa ăn ca tại công ty có phở

Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, thực đơn bữa ăn ca các ngày trong tuần của công ty đều thay đổi phong phú nhưng luôn đảm bảo dinh dưỡng cho người lao động. Đặc biệt, có những hôm có món phở bò, phở gà đan xen. Những bữa ăn phở sẽ có thêm quẩy, bánh bao rán, sữa chua ăn kèm để người lao động nạp đủ lượng thực phẩm cho buổi làm việc tiếp theo.

Trao đổi về những bữa ăn có món phở của Công ty, chị Trần Thị Thu Huyền - công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chia sẻ: “Bát phở đầy đặn cả bánh và thịt, nước dùng ngọt nên rất hấp dẫn”. Ngoài phở, các bữa ăn của công ty còn được thay đổi bằng các món bún bò Nam bộ, bún riêu nhưng chị Huyền cũng như nhiều công nhân thích phở hơn. “Chúng tôi ít có điều kiện ăn phở ở ngoài hàng nhưng có lẽ phở Công ty cũng ngon không kém vì hợp khẩu vị và đảm bảo về khối lượng cho chúng tôi” - chị Huyền nói.

Theo ông Hải, phở hay các loại bún thay thế cơm trong ăn ca là sự thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người lao động. Công ty hiện có khoảng 5.000 người lao động, đa phần người lao động trực tiếp đều ở trọ. Họ có nhiều khoản phải chi tiêu nên việc ra ngoài ăn một bát phở, dù giá là 25.000 - 30.000 đồng cũng khiến không ít người cân nhắc. Hơn thế, người lao động đi làm ca cũng không có nhiều thời gian để vào ăn hàng quán. Trong đó, phở của công ty phục vụ người lao động còn đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn