MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số công nhân tại các tỉnh, thành miền Tây phải siết chặt chi tiêu, làm thêm để có tiền ăn Tết. Ảnh: Bích Ngọc

Để có Tết, công nhân siết chặt chi tiêu, trông chờ vào tiền thưởng

VÂN HI LDO | 08/01/2024 19:29

Còn khoảng 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2024, để có tiền ăn Tết, một số công nhân tại các tỉnh, thành miền Tây siết chặt chi tiêu, làm thêm, trông chờ vào thưởng tết của công ty.

Với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, nuôi sống gia đình 3 người, để có khoản dư, chị Nguyễn Thị Đến (công nhân một công ty may mặc tại tỉnh Hậu Giang) buộc phải có kế hoạch chi tiêu hợp lí, nhất là khi Tết sắp cận kề.

"Ngày nào, ăn gì tôi đều ghi rõ. Tôi quy định mỗi ngày chỉ đi chợ 100.000 đồng/ngày/3 người, thường 70.000 đồng tiền thịt hoặc cá, 30.000 đồng rau và ít trái cây. Hôm nay thịt kho, canh rau thì mai lại trứng chiên, rau xào..., mỗi ngày mỗi món khác nhau", chị Đến chia sẻ.

Áp dụng kế hoạch bữa ăn từng ngày được chị Đến áp dụng khi làm công nhân đã hơn 2 năm nay. Càng vào lúc gần Tết, việc tiết kiệm càng được nữ công nhân siết chặt hơn.

Trước đó, nữ công nhân Nguyễn Thị Đến phải làm thêm nhiều việc để cải thiện thu nhập. Ảnh: Bích Ngọc

Chị Đến cho biết: "Điều kiện gia đình khó khăn, mua gì cũng phải suy nghĩ kĩ càng. Trước đó, thi thoảng còn mua ít bánh kẹo cho cả gia đình, sang hơn là mua thịt bò để nấu ăn. Bây giờ sắp đến Tết rồi, ăn uống cũng phải tiết kiệm hơn, hôm thì mua cá, hôm thì mua thịt lợn, cũng không dám ăn ngoài để tiền đó dành cho Tết".

Để có khoản dư, công nhân phải sắp xếp kế hoạch chi tiêu, đi chợ hợp lí. Ảnh: Bích Ngọc

Không chỉ có chị Đến, chị Thu Thủy (công nhân một công ty chế biến thủy sản tại tỉnh Hậu Giang) quyết không sử dụng quạt máy như một cách để tiết kiệm tiền ăn Tết.

"Hôm nào nóng bức quá thì mới dùng quạt, nếu còn chịu được thì dùng quạt tay. Buổi tối nếu không làm việc thì cũng tắt điện sớm, vài trăm nghìn tiền điện đối với công nhân cũng là số tiền lớn. Tết cận kề, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", chị Thủy cho hay.

Theo chị Thủy, mức lương hiện nay của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng tính cả tăng ca, số tiền này không đủ lo cho gia đình 3 người. Đồng lương eo hẹp, chị phải tính toán chi li, chờ khuyến mãi và không dám tùy tiện.

Để có Tết nữ, công nhân này còn học bán hàng online. "Bán hàng online là đồng nghiệp hướng dẫn tôi, vì họ có nguồn hàng giá rẻ nên đồng nghiệp cùng cộng tác làm thêm. Cuối tuần rảnh rỗi thì đi giao hàng cho khách. Tuy không nhiều nhưng cũng có đồng ra đồng vào mua bánh, mứt Tết cho con", chị Thủy cho hay.

"Cách đây ít tháng, chồng tôi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự ở TPHCM, thu nhập chính còn mỗi tôi. Khoản 6 triệu đồng/tháng là số tiền chính lo điện, nước, ăn uống hằng tháng. Trước ăn 120.000 đồng/ngày cho cả nhà thì nay giảm xuống còn 100.000 đồng", nữ công nhân Hạ Mi (công ty may mặc TP Cần Thơ) bộc bạch.

Theo chị Mi, mặc dù cố gắng tiết kiệm nhưng vẫn không có dư. Đặc biệt, sau làn sóng cắt giảm nhân sự trước đó, gia đình chị bị ảnh hưởng thu nhập, nên 2 năm liền không có Tết. Do đó, bản thân rất mong chờ chế độ thưởng Tết từ công ty.

"Số tiền tôi có được hiện nay chắc chỉ đủ mua ít hoa quả về biếu ông bà chứ chẳng đủ mua sắm gì thêm. Con tôi, 2 năm nay đã phải mặc lại đồ cũ nên tôi rất mong chờ tiền thưởng Tết từ công ty. Dù biết thưởng Tết là khoản không bắt buộc, nhưng nếu có sẽ hỗ trợ rất lớn cho anh em công nhân có cái Tết đủ đầy", chị Mi cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn