MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con công nhân trường mẫu giáo Dona Standard (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) được CĐCS và Cty quan tâm chăm sóc. Ảnh: T.M.G

Để con công nhân “miễn nhiễm” với bạo hành

HÀ ANH CHIẾN LDO | 24/01/2018 18:00
Tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 1 triệu lao động đang làm việc trong các KCN, trong đó có 70% là dân nhập cư, kéo theo số lượng con công nhân cần được chăm sóc mầm non ngày tăng nhanh, gây áp lực lớn đối với địa phương.

Do đó, theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc mở rộng quy mô phát triển giáo dục mầm non theo 1 cơ chế linh hoạt sẽ là giải pháp tất yếu đối với ngành học mầm non tại tỉnh này nhằm giải quyết nhu cầu gửi trẻ của các gia đình công nhân. Tuy nhiên, mở thêm nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ nhưng không quản lý tốt sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Kỳ 1: Con công nhân không có nhiều lựa chọn

Do hoàn cảnh gia đình xa quê nên nhiều lao động nữ sau khi lập gia đình và có con nhỏ, hết thời gian nghỉ hậu sản, các gia đình công nhân lâm vào hoàn cảnh không biết gửi con ở đâu để đi làm trong khi các trường mầm non công lập chỉ ưu tiên nhận trẻ là con em của người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, độ tuổi từ 24-72 tháng tuổi và không nhận trẻ ở đột tuổi nhỏ (6-14 tháng tuổi). Quy định đó đã buộc công nhân khi tới thời điểm gửi con để đi làm phải chấp nhận gửi con ở những cơ sở nhận giữ trẻ theo hộ gia đình với mức phí cao, cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc không đảm bảo an toàn.

Nhóm trẻ “mọc” khắp nơi

Công nhân Nguyễn Thị Phương (ngụ khu vực cổng 11, TP.Biên Hòa) cho biết: “Khi con gái em được 3 tuổi thì em đưa con đi gửi trẻ ở trường mầm non công lập, nhưng không được nhận do em không có hộ khẩu. Do đó, em phải đi gửi con ở nhà trẻ tư nhân tại P. Tân Hiệp, TP. Biên Hòa với mức giá 1,2 triệu đồng/tháng. Sau đó, khoảng 1 năm thì Cty có xây dựng nhà trẻ nên em chuyển cháu tới nhà trẻ của Cty với giá 800 ngàn đồng/tháng”.

Không như Phương, phụ huynh N.H.Dung, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết: “Tôi cũng phải gửi con ở cơ sở ngoài công lập tại P. Bình Đa với mức 1,3 triệu đồng/tháng để chi phí cho tiền ăn cho trẻ và tiền trông giữ trẻ.

Ngoài ra, hàng năm phải đóng thêm 500.000 đồng tiền cơ sở vật chất và 100.000 đồng tiền giường ngủ”.

Theo thực tế ghi nhận của PV Báo Lao Động tại P. Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi có 120.000 dân nhưng đa phần là công nhân nhập cư, len lỏi trong các ngóc ngách, ngõ hẻm xen lẫn trong các khu dân cư, khu nhà trọ công nhân là các điểm giữ trẻ tư nhân nhỏ lẻ với số lượng giữ trẻ chỉ từ 5-10 trẻ; các nhóm trẻ nuôi dạy từ hàng chục đến hàng trăm trẻ.

Ngay gần trụ sở UBND P.Long Bình cũng có nhiều nhà trẻ được “trưng dụng” từ nhà ở, như mẫu giáo Ong Vàng (KP3, P.Long Bình) là 1 ngôi nhà 3 tầng đang nuôi dạy 80 trẻ; mầm non Lộc Quỳnh 2 cũng là 1 nhà 2 tầng đang nuôi dạy 30 trẻ.

Tại P. Tân Phong, TP.Biên Hòa, PV cũng ghi nhận được những điểm giữ trẻ ngay tại nhà. Những nơi giữ trẻ này chỉ đơn sơ 1 tấm bảng ghi “Nhận giữ trẻ” để ngay trước cửa nhà, nhưng bên trong không hề thấy cơ sở vật chất phục vụ cho việc trông giữ trẻ.

Nhiều nhóm trẻ, theo ghi nhận của PV là khá chật hẹp do được tận dụng từ nhà ở để giữ trẻ, nhiều nơi giữ trẻ chỉ là dãy nhà cấp 4 cũ kỹ và thiếu ánh sáng.

Hiện, trên toàn địa bàn P. Long Bình có 114 nhóm trẻ đang nuôi dạy khoảng 9.500 trẻ, nhưng trong đó chỉ có 4 trường mầm non tư thục và 1 trường công lập.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai, TP.Biên Hòa cũng đã kiểm tra toàn bộ hệ thống các nhóm trẻ trên địa bàn và cho biết, thực tế hiện nay, đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có quy mô nhỏ lẻ, tự phát thì thường tận dụng hoặc cải tạo nhà ở làm phòng giữ trẻ, diện tích chật hẹp, thiếu công trình vệ sinh, sân chơi bếp ăn nên không đảm bảo các điều kiện chăm sóc, giáo dục, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chưa hết, đối với các nhóm trẻ quy mô nhỏ dưới 10 trẻ, chưa được cấp phép thì đa phần người giữ trẻ trình độ chuyên môn thấp, thiếu kỹ năng xử lý tình huống xảy ra trong quá trình chăm sóc, giáo dục dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thực chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ nhằm giúp họ nắm được chế độ sinh hoạt trong 1 ngày của trẻ từ 0-36 tháng tuổi. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không ổn định và thường xuyên thay đổi.

Đa phần là con công nhân lao động

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay có một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo hoạt động khi chưa có sự cho phép của địa phương nhưng vẫn tổ chức giữ trẻ mang tính gia đình, chủ yếu là trông giữ trẻ. Còn nhiều nhà, nhóm trẻ sử dụng không gian nhà ở của gia đình để làm phòng học, sử dụng bếp gia đình làm bếp ăn cho trẻ vừa chật hẹp vừa chưa đảm bảo quy trình nhà bếp và vệ sinh môi trường bán trú; một số nhóm, lớp chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: Đa số phụ huynh gửi trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là dân lao động, công nhân các KCN, những người có thu nhập thấp phải chấp nhận gửi con vào các cơ sở giữ trẻ với chi phí thấp. “Mong muốn lớn nhất của các lao động nữ là Cty nơi họ làm việc có nơi trông trẻ để họ yên tâm công tác.

Tuy nhiên, thực tế đa phần các doanh nghiệp không xây dựng nhà trẻ mẫu giáo vì không có quỹ đất, không có kinh phí và khó khăn nhất là không có bộ máy giáo viên mầm non được đào tạo chính quy để lo việc tổ chức, quản lý nhà trẻ, mẫu giáo. Nhiều doanh nghiệp và lao động đều bức xúc khi tỉ lệ lao động nữ không có nơi gửi con nên phải nghỉ việc khá cao. Từ đó, các nhóm lớp mầm non tư thục phát triển nhanh, trong đó có nhiều nhóm lớp chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ” - bà Hiệp chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn