MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng vắt, trữ sữa của Công ty TNHH Công nghệ Máy văn phòng Kyocera (Hải Phòng). Ảnh: CĐ Cty

Để con của công nhân được nuôi bằng sữa mẹ có chất lượng

Kiều Vũ - Tú Quỳnh LDO | 16/12/2020 08:14
Phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong đó quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ và lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp là một trong những hoạt động mà các Công đoàn cơ sở đang thực hiện.

Vào nhà vệ sinh, chui xuống gầm bàn để vắt sữa

Chị Hải Yến có 2 con, 1 bé 6 tuổi, 1 bé gần 1 tuổi. Khi sinh bé đầu, vì lý do công việc nên chị đi làm sớm. Lúc đó, chị Yến nuôi con song song bằng sữa mẹ và sữa công thức. Thời gian đầu mới đi làm lại, hưởng chế độ thai sản, chị Yến sử dụng 1 tiếng nghỉ trong ngày về nhà cho con bú. Sau khi con 1 tuổi, chị Yến bắt đầu phải vắt sữa khi đang làm việc ở công ty (Cty).

Chị Yến cho biết, việc tìm chỗ để vắt sữa và lưu trữ sữa ở Cty rất khó khăn vì phải tìm kiếm dụng cụ, hộp trữ, đá lạnh… Để có nơi kín đáo và tâm lý thoải mái, mỗi lần vắt sữa, chị Yến vào phòng họp của Cty. Những lúc phòng họp có cuộc họp, chị Yến phải vào nhà vệ sinh. Bởi vậy, chị Yến rất mong các doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt sữa, trữ sữa cho các bà mẹ để họ có thể vắt sữa kín đáo, trong trạng thái tâm lý thoải mái.

Chia sẻ về khó khăn trong vắt, trữ sữa khi đã đi làm trở lại với các cán bộ Công đoàn (CĐ), có những chị cho hay, họ từng phải chui xuống gầm bàn để vắt sữa cho kín đáo. Chị Bùi Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty TNHH Công nghệ Máy văn phòng Kyocera (Hải Phòng) - cho hay, đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi Cty chưa có phòng vắt, trữ sữa, chị Điệp cũng như nhiều công nhân (CN) phải chui xuống gầm bàn, trùm khăn để vắt sữa, rồi gửi sữa vào tủ lạnh - dù tủ lạnh này không phải để trữ sữa.

Tiết kiệm khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức

Theo bà Phan Thị Hồng Linh - Phó Giám đốc Tổ chức Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á, trẻ được bú mẹ sẽ có nguồn dinh dưỡng tốt, hạn chế nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình CN cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức. Nhờ đó mà CN, đặc biệt là lao động nữ, có thể tập trung vào công tác.

Khảo sát của Tổng LĐLĐVN cũng cho thấy, trên 98% người lao động (NLĐ) tham gia hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định “Mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa”. 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được chi phí trung bình cho việc thiết lập 1 phòng vắt, trữ sữa với chi phí khoảng 15-20 triệu đồng.

Như tại Cty TNHH Giày Apache Việt Nam (Tiền Giang), ngành nghề chính là sản xuất giày, dép, có 3.805 lao động nữ, chiếm trên 70%. Hiện Cty có 178 nữ công nhân lao động (CNLĐ) đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chiếm 4,67% trên tổng số nữ CNLĐ. Phòng vắt, trữ sữa mẹ do CĐCS trực tiếp quản lý với diện tích 11,8m2. Phòng được trang bị các vật dụng gồm: Tủ lạnh, dụng cụ vắt sữa bằng tay, máy vắt sữa, ấm điện, dụng cụ rửa bình sữa, dụng cụ chứa bình sữa và một số hình ảnh có liên quan đến vấn đề vắt sữa và trữ sữa mẹ. Trung bình mỗi ngày, phòng vắt sữa, trữ sữa mẹ có 6 nữ tham gia vắt, trữ sữa mẹ…

Trở lại câu chuyện của Cty TNHH Công nghệ MVP Kyocera. Tổng số lao động nữ của Cty là 2813, trong đó, CNLĐ đang mang thai là 144 người; đang nghỉ sinh ở nhà là 179 người; đã đi làm và đang hưởng chế độ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là 133 người. Số lượng người đang sử dụng phòng vắt trữ sữa khoảng 60 người (chiếm gần 45,1%). Khi xây dựng nhà xưởng, phía Cty không dự kiến xây dựng phòng vắt trữ sữa nên chưa có địa điểm phù hợp, trang thiết bị thiếu thốn.

Năm 2014 sau khi thành lập tổ chức CĐ, Ban chấp hành CĐ đã trao đổi với ban lãnh đạo Cty về tầm quan trọng của phòng vắt trữ sữa. Cũng thời điểm đó, dự án A&T phối hợp Liên đoàn Lao động và CĐ Khu kinh tế thảo luận về việc triển khai thực hiện lắp đặt cabin trữ sữa cho doanh nghiệp. Chỉ trong 1 thời gian rất ngắn dưới sự hỗ trợ của bên dự án, Ban nữ công kết hợp cùng Cty tìm 1 địa điểm thích hợp, gần khu vực nhà xưởng, nhà ăn, phòng thay đồ để thuận tiện cho lao động nữ; kết hợp với Cty để bố trí, lắp các trang thiết bị như đường nước (lắp bồn rửa tay trong phòng vắt sữa); điều hòa; giá để đồ, bàn ghế…

Những hoạt động này cho thấy, vai trò quan trọng của CĐCS trong việc vận động, giúp đỡ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Từ thực tế thực hiện vai trò của mình, các CĐCS cũng có những kiến nghị như được tiếp cận, học hỏi các phương pháp vận hành phòng vắt trữ sữa đạt hiệu quả từ các đơn vị bạn; Kiến nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn các quy chuẩn của phòng vắt, trữ sữa mẹ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn