MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong mỏi thêm nhiều chính sách để sớm an cư lạc nghiệp. Ảnh: Đ.T

Để công nhân không "mỏi mòn” trong những phòng trọ chật chội

Cao Nguyên - Lương Hạnh LDO | 09/07/2022 06:08

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Bộ này xem xét cho phép doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng trọ, nhà trọ để cung cấp chỗ ở chất lượng tốt hơn cho công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để các hộ gia đình, cá nhân cũng phải nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh cho nhà trọ, phòng trọ của mình. Phía Bộ Xây dựng đang xem xét và sẽ có những phản hồi sớm. 

Chật chội trong phòng trọ công nhân

Những ngày qua, thời tiết của Hà Nội khá nóng bức và khắc nghiệt, cuộc sống của những công nhân đi ở thuê trong xóm trọ chật chội, bức bí vì không có trang thiết bị làm mát như điều hòa. Xóm trọ nhỏ, nằm sâu trong thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đang là nơi có nhiều công nhân khu nhà trọ đang sinh sống.

Trong căn trọ nhỏ chỉ chừng 15m2 của chị Lê Thị Bích Hải (quê Cẩm Khê, Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEEV khá nóng nực. Cả căn phòng của chị Hải, thứ làm mát duy nhất chỉ có một chiếc quạt cũ mèm, đang lờ lờ phả ra những luồng gió nóng. Mồ hôi chảy ròng ròng khắp người, chị Hải vội nấu bữa cơm trưa cho gia đình.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ tường của căn phòng bong tróc gần hết. Mảng tường khu vực nấu ăn trong căn phòng đen xì - vì ám khói, dù có chắp vá bằng những tấm nhựa cũng không khá hơn là bao.

Đứng nấu cơm, chị Hải vừa lau mồ hôi vừa cho biết, căn phòng trọ gia đình thuê có giá 600.000 đồng/tháng, điện 3.000 đồng/số, nước 30.000 đồng/khối. Vợ chồng chị Hải phải thuê thêm 1 phòng với giá 500.000 đồng/tháng dùng để cất hàng hóa. Do tồi tàn, xuống cấp cả dãy trọ của chị có 6 phòng thì chỉ có 2 phòng có người ở.

Cách đó không xa, căn phòng trọ của chị Vũ Thị Phương (SN 1993, quê Sông Lô, Vĩnh Phúc) khá hơn. Chị đã lắp điều hòa được hơn 1 năm nay, nhưng gần như chẳng khi nào dám bật để sử dụng. Sau 3 năm làm công nhân, mức lương của chị Phương được khoảng 5,3 triệu đồng/tháng; phụ cấp đi lại 300.000 đồng/tháng. Cộng cả các loại phụ cấp, làm thêm chị nhận hơn 9 triệu đồng/tháng.

Căn trọ thuê với giá 600.000 đồng/tháng của chị Phương cũng đã tồi tàn, xuống cấp. Ngày nắng nóng đỉnh điểm, chị cũng chỉ dám bật điều hòa trong vòng 30 đến 45 phút. Chị để thêm một chậu nước trong phòng. Sau khi tắt điều hòa thì bật quạt thổi vào chậu nước cho mát.

Theo ghi nhận thực tế của PV, không chỉ chật chội, xuống cấp, nhiều phòng trọ của công nhân luôn trong tình trạng thiếu ánh sáng, ẩm thấp, có hại tới sức khoẻ.

Nâng cao chất lượng phòng trọ

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Hiệp Hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Bộ xem xét cho phép doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng trọ, nhà trọ để cung cấp chỗ ở chất lượng tốt hơn cho công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

Theo HoREA, việc này còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để các hộ gia đình, cá nhân cũng phải nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh cho nhà trọ, phòng trọ của mình. HoREA đưa ra dẫn chứng tại TPHCM chỉ có khoảng 15% số công nhân lao động các khu công nghiệp được thuê chỗ ở trong các khu nhà lưu trú công nhân, còn lại phần lớn đang thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.

Thực tế, TPHCM đã có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân.

Bên cạnh đó có những doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng nhà lưu trú công nhân… Tuy nhiên, các khu nhà lưu trú mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đa số công nhân lao động nhập cư đều đi thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.

Về đề xuất này, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, đang xem xét các đề xuất, kiến nghị của HoREA. Ông Sinh nói thêm, sau khi xem xét Bộ sẽ sớm có ý kiến về vấn đề HoREA đã nêu.

Một số chuyên gia cho rằng, trên thực tế đến nay vẫn chưa có một số liệu cụ thể nào về số lượng người nghèo đang thiếu chỗ ở, hay số lượng gia đình đang phải sống trong những căn hộ 10-15m2 trong các khu công nghiệp, để từ đó khảo sát xem nhu cầu của họ ra sao, số lượng cần nhà ở bao nhiêu?... Dù đề xuất là tốt nhưng phải đưa ra quy định cụ thể, chặt chẽ để tránh doanh nghiệp trở thành đối tượng được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi cho người nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn