MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề nghị cần mở rộng hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Quế Chi LDO | 10/04/2023 11:04

Về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hoá và làm rõ nội hàm thế nào là “bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn” nơi ở; quy định cụ thể tiêu chí định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn…

Đó là ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Ý kiến này được đưa ra tại văn bản phản biện xã hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

  Quy định về bồi thường khi thu hồi đất được nhiều người dân quan tâm. Ảnh minh hoạ: Thiên Phúc 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các nguyên tắc bồi thường tại Điều 89: (1) phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; (2) bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất được thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở. 

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đáp ứng mong muốn này, dự thảo cần thể chế hoá và làm rõ nội hàm thế nào là “bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ; quy định cụ thể tiêu chí định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tính hiệu lực, khả thi trong thực tiễn. 

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần mở rộng hình thức bồi thường để đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như khái niệm bồi thường về đất được nêu tại Khoản 4 Điều 5 của dự thảo, đáp ứng đúng nhu cầu của người bị thu hồi và phù hợp với xu thế quốc tế.

Theo đó, Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng, bằng tài sản gắn liền với đất, bằng quyền kinh doanh, quyền tài sản hoặc bằng giấy tờ có giá tương đương theo sự lựa chọn của người bị thu hồi. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cần xem xét cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân khi thu hồi đất. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trả tiền một lần không thể giải quyết được sinh kế bền vững, mà cần tạo dòng thu nhập trong tương lai, có thể thực hiện bằng tiền như: Nhận cổ phần từ các dự án chia lợi nhuận thu được từ việc khai thác đất bị thu hồi…; hoặc không bằng tiền, như: Làm việc tại các dự án sử dụng đất bị thu hồi, phát triển cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, đường xá… cho cộng đồng, địa phương nơi có đất bị thu hồi. Việc chia sẻ lợi ích này phải mang tính chất lâu dài, bền vững, tạo cơ chế bổ sung thu nhập dài hạn cho người dân, góp phần tạo quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư địa phương. 

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn