MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ công tác điều hành tham luận tại Trung tâm thảo luận số 7. Ảnh: Hà Anh

Đề nghị Tổng LĐLĐVN có chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Cao Bằng

Hà Anh LDO | 01/12/2023 16:15

Chiều 1.12, tại Trung tâm thảo luận số 7 thuộc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đã tích cực thảo luận các văn kiện trình tại Đại hội, trong đó tập trung góp ý cho Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tại Trung tâm thảo luận số 7 có 117 đại biểu tham gia.

Tổ trưởng Trung tâm thảo luận số 7 là ông Nguyễn Thế Lập, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị; tổ phó là ông Hà Duy Trung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định; bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam là thư ký.

Ông Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng; ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Biên tập Báo Lao Động cùng tham dự Trung tâm thảo luận số 7.

Đoàn đại biểu LĐLĐ tỉnh Cao Bằng tham gia Trung tâm thảo luận số 7. Ảnh: Hà Anh

Thay mặt cho đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng tại Trung tâm thảo luận số 7, ông Ngọc Văn Phán - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Cao Bằng cho biết, đoàn đại biểu tán thành, đồng tình với các văn bản do Đoàn chủ tịch cung cấp và trình đại hội. Đặc biệt là đối với Báo cáo chính trị cơ bản đã đánh giá một cách tổng quát, đầy đủ, thể hiện được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, tại báo cáo chính trị trang thứ 12 - Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30.12.2019 về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện”, hiện nay dự thảo đang viết là Quyết định.

Về chỉ tiêu phấn đấu hằng năm: 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được tập huấn, bồi dưỡng với hình thức phù hợp, theo ông Ngọc Văn Phán là không cần thiết để thành 1 chỉ tiêu, bởi vì trong nhiệm vụ, khâu đột phá của cả nhiệm kỳ 2023 - 2028, tại khâu đột phá số 3 đã nêu cụ thể là: Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Quang cảnh tại Trung tâm thảo luận số 7. Ảnh: Hà Anh

Ông Ngọc Văn Phán cho rằng, Cao Bằng là tỉnh miền núi - một trong những tỉnh nghèo nhất so với cả nước; lực lượng lao động tại doanh nghiệp chỉ khoảng 3 nghìn lao động (hiện nay chưa có 1 khu công nghiệp nào); tổng số công nhân viên chức lao động cả tỉnh hiện có trên 28 nghìn người, mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp so với cả nước, đặc biệt là đối tượng công nhân viên chức lao động mới ra trường đi làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ lương không đảm bảo cho mức sống tối thiểu hiện nay.

Trong khi đó hiện nay tỉnh Cao Bằng chưa được đầu tư xây dựng khu nhà ở tập thể tập trung dành riêng cho công nhân lao động, số doanh nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà ở chỗ công nhân chưa nhiều.

Hiện nay, theo số liệu thống kê, đề nghị từ các cơ sở, số lượng công chức viên chức, người lao động trong toàn tỉnh còn chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà ở với số lượng đoàn viên còn rất lớn; với mức chi phí thuê nhà cao, trong khi đó thu nhập từ lương của người lao động lại rất thấp (khoảng 5-7 triệu đồng/tháng).

Vì vậy tại tổ thảo luận, Đoàn đại biểu Cao Bằng đề nghị Tổng LĐLĐVN dành sự quan tâm, có chủ trương đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội với các tỉnh đặc thù, có tính tương đồng như tỉnh Cao Bằng, để cho đoàn viên, người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận và có cơ hội được hưởng lợi chương trình, qua đó người lao động sẽ yên tâm công tác và cống hiến lâu dài...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn