MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để thêm thời gian bên gia đình, nhiều công nhân dành nghỉ phép vào dịp Tết

Bảo Hân LDO | 22/01/2023 07:15

Để được nghỉ Tết dài ngày hơn so với lịch của công ty, nhiều công nhân lao động đã xin nghỉ phép năm. Họ về sớm vì quê xa, mất nhiều thời gian đi lại, cũng như muốn có thêm thời gian bên gia đình nhiều hơn sau một năm làm việc xa nhà.  

Lịch nghỉ Tết của công ty nơi chị Trương Thị Cúc làm việc là hết ngày 28 Tết Âm lịch. Như vậy, nếu làm đúng lịch, sớm nhất phải đến sáng 29 Tết chị mới có thể lên xe về quê. Để về quê sớm hơn, chị Cúc xin nghỉ sớm trước 2 ngày, tính vào ngày nghỉ phép. 

Chị Cúc làm công nhân tại Công ty TNHH Điện tử CKS (Cụm công nghiệp Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). “Quê tôi ở Nghệ An, cách nơi làm việc 300km. Nếu đi xe khách, tôi phải mất 7 giờ vào ngày thường; còn những ngày lễ, thời gian ngồi trên xe phải lên đến 8 giờ. Chính vì vậy, tôi xin nghỉ phép để được về quê sớm hơn, có thêm thời gian đi mua sắm Tết cho gia đình” – chị Cúc kể. 

Muốn về sớm, nhưng do phải làm đêm 27 Tết, nên đến sáng 28 Tết, chị mới có có thể lên xe về quê. Chị dành thời gian ở trên xe để ngủ bù sau ca làm đêm. 

Chị Trương Thị Cúc xin nghỉ phép để được nghỉ Tết dài ngày hơn. Ảnh: Bảo Hân 

Như vậy, nữ công nhân này được nghỉ tổng cộng 10 ngày Tết (từ ngày 27 Tết đến ngày mồng 5 Tết). Chị có thêm thời gian để ở bên các con, bố mẹ mình. 

Chị Cúc là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Các con được chị gửi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc, còn một mình thuê trọ tại Bắc Ninh để làm lụng, kiếm sống. Cả năm chị mới gặp con một vài lần, nên dịp Tết chị rất nóng lòng muốn sớm về gặp các con, bù đắp cho các con sau thời gian đằng đẵng thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ.

Anh Đồng Trọng Khánh (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) còn có thời gian nghỉ Tết dài hơn. Do nhà có việc riêng, nên anh xin nghỉ phép 8 ngày, từ ngày 11.1. Theo tính toán của anh, sau khi nghỉ phép là đến thời gian nghỉ Tết. Như vậy, anh được nghỉ Tết tổng cộng hơn 2 tuần.

“Cả năm hầu như tôi không nghỉ phép mà dành vào dịp cuối năm. Thời điểm cuối năm, công ty ít việc nên công nhân xin nghỉ phép nhiều như vậy, công ty cũng đồng ý” – anh Khánh cho hay. 

Quê anh Khánh ở Nghệ An, tốn rất nhiều thời gian đi lại, nên nghỉ Tết sớm giúp anh có thêm nhiều thời gian bên gia đình sau cả 1 năm làm việc xa nhà. 

Theo quy định của pháp luật, đối với trường hợp người lao động muốn nghỉ Tết dài hơn mà vẫn được hưởng nguyên lương thì có dùng ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép năm) của mình để nghỉ thêm nếu vẫn còn ngày phép. Cụ thể, Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ hằng năm như sau:

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Theo đó, người lao động sẽ có số ngày nghỉ hàng năm, khi nghỉ vẫn được hưởng nguyên lương. Nếu vẫn còn ngày nghỉ hằng năm thì người lao động có thể xem xét xin nghỉ phép năm trước mấy ngày…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn