MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Quận 6, TPHCM) nhận vốn vay của CEP để ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh: Phương Ngân

Để tín dụng đen không “bám rễ” trong công nhân, người lao động

Nhóm phóng viên LDO | 27/03/2024 09:27

Quá trình nghiên cứu về vấn đề tín dụng đen trong công nhân, người lao động, số liệu khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, có đến 54,8% người lao động phải đi vay tiền (trong bối cảnh đại dịch COVID-19); 20,2% vay tín dụng đen. Trong đó, phần lớn là lao động nam giới, trong loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc và phía Nam.

Do nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày

Báo cáo nghiên cứu “Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động - Thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện khảo sát trong 12 tháng cho thấy cơ bản nhất, lý do tham gia vay tín dụng đen của công nhân lao động (CNLĐ) xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.

78,1% công nhân, NLĐ vay tín dụng đen chủ yếu sử dụng cho mục đích lo sinh hoạt phí cho gia đình, lo chi phí chỗ ở. Đây là lý do chiếm tỉ trọng cao nhất trong các lý do cần sử dụng đến nguồn vốn vay nhanh, lãi suất cao.

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân lo tiền học phí cho con, chiếm 28,6%; chi tiêu thỏa mãn mong muốn cá nhân, chiếm tỉ lệ 21,3%; lo chữa bệnh cho người thân (14%), gửi tiền về cho gia đình (13,6%), mua phương tiện đi lại (13,3%)…

Một số lao động vay tín dụng đen do không lường trước được hậu quả và thiếu hiểu biết về pháp luật. Cá biệt có một số người coi tín dụng đen là kênh đầu tư do cơ hội lợi nhuận lớn.

Theo Công an TP Hải Phòng, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có tình trạng NLĐ vay tiền ở các tổ chức tín dụng không có thế chấp, vay tín dụng từ các công ty tài chính với mức lãi suất cao, vay “tín dụng đen” và vay qua app với thủ tục vay đơn giản: Sử dụng ảnh chụp căn cước công dân, ảnh chân dung, yêu cầu người vay “thế chấp” quyền truy cập danh bạ điện thoại để đăng ký vay tiền và giải ngân ngay với số tiền từ 2 triệu đồng đến 50 triệu đồng với mức lãi suất cho vay rất cao (dao động từ 500% đến 800%/năm), khi nhận tiền thường sẽ bị trừ lãi ngay.

Do lãi suất cao, nhiều NLĐ không có khả năng trả nợ nên đã xóa app, chặn tin nhắn, cuộc gọi, thay sim, thậm chí nghỉ việc tại doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Khi NLĐ không có khả năng trả nợ, các đối tượng gọi điện, nhắn tin với lời lẽ thô tục, bất kể ngày đêm đến nơi NLĐ làm việc, nhằm gây áp lực buộc người vay phải trả tiền...

Trường hợp này từng xảy ra tại Công ty TNHH Regina Miracle Internationa Việt Nam - KCN VSIP, hàng chục lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc gọi khủng bố, đe dọa.

Sự tham gia tích cực từ tổ chức công đoàn

Báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy tác động của tín dụng đen đối với CNLĐ như gây khủng hoảng tâm lý NLĐ; ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, đời sống, sức khỏe, tính mạng NLĐ. Trong đó, phần lớn NLĐ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề trước các hành động đòi nợ theo tính chất xã hội đen của các đối tượng cho vay.

Gần 87% lao động không yên tâm làm việc, luôn trong tâm lý hoảng sợ, cảm giác bế tắc, mất phương hướng trong mọi việc. 83,73% lao động cho biết các hình thức đòi nợ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt gia đình, sự an toàn của các thành viên luôn là mối lo hàng đầu, ngoài ra không khí gia đình luôn căng thẳng, ngột ngạt.

Để hạn chế tình trạng này, nhiều tổ chức Công đoàn đã có các giải pháp hay. Điển hình như tại Hải Phòng, cơ quan chức năng, các cấp Công đoàn thành phố đã và đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi hỗ trợ NLĐ như gói vay tối đa 50 triệu đồng với thời hạn 36 tháng; gói cho vay ngắn hạn (thời hạn 12 tháng) cho NLĐ có nhu cầu vay phát triển kinh tế, khám chữa bệnh cho bản thân, người thân…

Lãi suất cũng được điều chỉnh thấp hơn so với trước, thời gian giải ngân có thể rút ngắn còn 24h để hỗ trợ tối đa NLĐ trong lúc khó khăn… Riêng trong năm 2023, tổng số đoàn viên được hỗ trợ vay vốn là gần 2.000 trường hợp. “Quỹ trợ vốn CNVCLĐ cũng phối hợp công đoàn các cấp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để NLĐ biết, cảnh giác và tố giác; không để tín dụng đen tiếp cận công nhân, lao động” - bà Trần Thị Nhi - Giám đốc Quỹ trợ vốn CNVCLĐ Hải Phòng cho biết.

Còn tại Nghệ An, qua rà soát, cơ quan chức năng xác định số đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động tín dụng đen đang quản lý trên địa bàn tỉnh có 109 đối tượng; có 356 cơ sở cầm đồ. Từ tháng 7.2023 đến nay, lực lượng công an các cấp đã kiểm tra 431 lượt, phát hiện 29 cơ sở vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 96 triệu đồng.

“Trước tình trạng nhiều công nhân lao động bị vướng vào tín dụng đen ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, các tổ chức Công đoàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo tác hại của tín dụng đen, đồng thời đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu các nguồn tín dụng tin cậy với lãi suất hợp lý cho công nhân lao động vay” - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám cho biết.

Cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng

Một trong những kiến nghị từ nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn là ngành Ngân hàng cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của CNLĐ, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của CNLĐ.

Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của CNLĐ; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi CNLĐ gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn