MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nghỉ việc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Đề xuất 3 tháng chờ sau nghỉ việc thì được rút bảo hiểm xã hội một lần

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 13/04/2023 09:07
Tổng LĐLĐVN đề xuất xem xét giảm điều kiện sau 1 năm mới cho người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần xuống mức khoảng 3 tháng. Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của cán bộ công đoàn, người lao động về đề xuất này.

Cực chẳng đã mới phải rút BHXH một lần...

Luật hiện hành quy định người lao động tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng BHXH thì được rút BHXH một lần. Dự luật sửa đổi giữ nguyên quy định này và bổ sung phương án cho người lao động rút 50% tổng thời gian đóng, một nửa còn lại bảo lưu trong hệ thống để đến khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi. 

Mới đây, Tổng LĐLĐVN cho rằng, nên xem xét lại quy định sau 1 năm nghỉ việc mới cho người lao động nhận BHXH một lần. Vì quy định này không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần.

Tổng LĐLĐVN nêu quan điểm: Rút BHXH một lần nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo cho người lao động duy trì cuộc sống.

Liên quan đến đề xuất trên, anh Hoàng Ngọc Cường (32 tuổi, quê Tuyên Quang) - hiện là công nhân làm ở công ty về thiết bị vệ sinh trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) - hoàn toàn đồng tình. Anh Cường cho biết, công nhân nghỉ việc có rất nhiều lý do: không có nhà ở, con cái ở xa, sức khoẻ giảm sút, công ty thiếu việc... Khi mất việc và không tiếp tục tham gia BHXH, công nhân rất muốn được rút chế độ một lần để trang trải cuộc sống.

“Những trường hợp mà tôi biết, dù mong có lương hưu nhưng cực chẳng đã, họ đành phải rút BHXH 1 lần. Số tiền này rất có ý nghĩa, có người sử dụng để học nghề, mở trang trại, lấy vốn kinh doanh, sửa sang nhà cửa, lo học cho con...” - anh Cường nói. Anh cho biết thêm, hiện nay quy định sau 1 năm nghỉ việc, người lao động mới có thể nhận chế độ 1 lần, khiến sau nghỉ việc, họ phải vay mượn ở nơi khác để giải quyết nhu cầu trước mắt.

8 năm làm công nhân, anh Cường xác định chỉ làm thêm vài năm nữa rồi về quê. Nếu được rút chế độ 1 lần theo đề xuất trên, anh sẽ sử dụng tiền đó để sửa sang lại nhà cửa, lo tiền cho con học hành.

Cần tăng quyền lợi cho người lao động 

Trao đổi với phóng viên Lao Động về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - bày tỏ quan điểm chung là chính sách pháp luật cần phải tăng quyền lợi cho người lao động khi họ ở lại trong hệ thống BHXH, để họ cân nhắc, không có tư tưởng rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện môi trường ổn định, bền vững, tốt cho người lao động; tăng cường tuyên truyền cho người lao động thấy được vai trò, tác dụng của chính sách BHXH lâu dài. 

“Chỉ có trường hợp bất đắc dĩ thì người lao động mới cần rút BHXH một lần. Khi đó, người lao động rất cần được giải quyết kịp thời chế độ này, nếu phải chờ 1 năm thì có thể làm tăng các nguy cơ cho người lao động: Phải bán sổ BHXH (bán lúa non), vay nặng lãi… Vì vậy, cần giảm thời gian chờ được rút BHXH một lần so với quy định sau nghỉ việc 12 tháng như hiện nay” - ông Quảng nêu quan điểm. 

Nêu lý do đề xuất giảm thời gian chờ được rút BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng cho biết, bản chất chi bảo hiểm xã hội một lần là giúp cho người lao động giải quyết kịp thời những trường hợp phát sinh sau khi mất việc làm, cuộc sống gặp khó khăn. 

“Mất việc làm trong cơ chế thị trường là hết sức bình thường. Nhiều người lao động cần có thời gian để tìm việc làm mới; cân nhắc có tìm biện pháp khác thay cho biện pháp rút BHXH 1 lần. Nếu họ không tìm được giải pháp khác thì mới tính đến rút BHXH một lần và thời hạn 3 tháng sau khi nghỉ việc, người lao động có thể rút BHXH một lần là hợp lý” - ông Quảng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn