MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động luôn mong muốn được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Ảnh: Bảo Hân

Đề xuất biện pháp khoanh nợ bảo hiểm xã hội

Bảo Hân LDO | 18/05/2024 06:00

Tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 17.5, nhiều ý kiến nêu ra các giải pháp để ngăn tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó đề xuất biện pháp khoanh nợ BHXH, tránh “lãi mẹ đẻ lãi con”, tạo điều kiện doanh nghiệp có điều kiện trả nợ, từ đó đảm bảo quyền lợi BHXH cho người lao động.

Khó thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh

TS Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn - cho biết, hiện nay có nhiều đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn, không đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ, như chậm đóng BHXH hoặc không tham gia đóng BHXH liền mạch.

Đưa ra so sánh, trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, nếu đảm bảo các điều kiện thì sẽ có cơ chế khoanh thuế để tránh đánh lãi lên khoản nợ nhiều lần, TS Khoa cho hay: “Đối với BHXH, tôi chưa thấy quy định này. Qua thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề này để tránh “lãi mẹ đẻ lãi con””.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - nêu lên thực trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nợ đóng BHXH, sau đó chuyển đổi vẫn tiếp tục nợ tại địa phương. “Trong số rất nhiều DN nợ BHXH, chỉ có 4-5 doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chiếm tới 50% tổng số nợ của tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, số tiền nợ BHXH là 30 tỉ đồng, thì các doanh nghiệp Nhà nước là 15 tỉ đồng. Việc nợ đọng đã kéo dài rất lâu, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động” - ông Thọ trăn trở.

Ông Thọ đề xuất biện pháp khoanh nợ BHXH, không tính lãi nợ; tạo điều kiện doanh nghiệp cam kết trong vòng 3-6 tháng trả được nợ, đóng BHXH, từ đó NLĐ được hưởng lợi. Ngoài ra, ông Thọ cũng đề xuất Nhà nước cân đối ngân sách để giải quyết các khoản nợ này của doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị cho phép NLĐ được tự bỏ tiền đóng phần nợ BHXH (đóng tiền nợ gốc, không tính lãi) để được hưởng BHXH trong trường hợp DN nợ đóng BHXH…

Ông Thọ bày tỏ, đối với doanh nghiệp trốn, chậm đóng BHXH, trước đây có biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng. Theo ông, đây mới là biện pháp đủ mạnh, khả thi, thực hiện được ngay. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo luật đã bỏ ra biện pháp này, bổ sung biện pháp cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp. Ông Thọ cho rằng, biện pháp mới này khó thực hiện và chưa đủ sức răn đe, do không rõ cơ chế cơ quan nào ở tỉnh thực hiện lệnh cấm xuất cảnh.

Khó xử lý hình sự do vướng mắc quy trình, thủ tục

Ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng ban Quản lý thu - sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, về xử lý các doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH, trước đây có quy định về cưỡng trích tiền từ tài khoản từ các đơn vị vi phạm. Theo đó, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành phong tỏa tài khoản, cưỡng trích. Tuy nhiên, biện pháp này gần như không thực hiện được.

Đề cập đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, ông Hùng cho biết, trong thực tế nhiều năm nay mới ghi nhận 1 trường hợp bị khởi tố.

“Cơ quan BHXH chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị khởi tố, nhưng gần như các trường hợp không được xử lý hình sự. Nguyên nhân hầu hết là vướng mắc ở quy trình, thủ tục, chưa đạt được điều kiện để khởi tố, chưa cấu thành tội phạm để xử lý hình sự” - ông Hùng chia sẻ.

Vì vậy, các vụ việc này chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp hành chính.

Ông Hùng cho rằng, quan trọng nhất là không để phát sinh việc nợ BHXH, nếu chậm đóng, cùng lắm là 1-2 tháng; nếu nợ trong thời gian dài thì sẽ không thể xử lý được. “Đây mới là cốt lõi của vấn đề” - ông Hùng nói.

Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là khoảng 17.048 tỉ đồng

Thời gian qua, Báo Lao Động đã liên tục có bài viết về việc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 (TP Hà Nội) và Công ty CP khóa Minh Khai (TP Hà Nội) nợ BHXH kéo dài, với số tiền hơn “khủng” - hơn 13-14 tỉ đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Mặc dù người lao động và Báo Lao Động đã phản ánh đúng sự việc, cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như yêu cầu lãnh đạo các công ty trên trả nợ số tiền BHXH, nhưng lãnh đạo công ty vẫn “án binh bất động”, phớt lờ các quyết định của cơ quan chức năng… Đặc biệt, lãnh đạo những công ty này không bị xử lý hình sự - đã gây bức xúc cho người lao động và dư luận.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30.4, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là khoảng 17.048 tỉ đồng. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp này.

H.A

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn