MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động khó khăn trong việc duy trì tham gia Bảo hiểm Xã hội để được hưởng lương hưu. Ảnh: Phương Linh

Đề xuất đóng BHXH 10-15 năm có thể nhận được lương hưu: Mong mỏi của đa số người lao động

Minh Thúy Trung LDO | 24/04/2021 20:20
Đề nghị xây dựng luật BHXH (sửa đổi) của Bộ LĐTB&XH, đề xuất thay vì đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu, nay giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm đã nhận được sự đồng tình của số đông người lao động.

Chờ quá lâu để được hưởng lương hưu

Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, trú Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang) công nhân Công ty sản xuất Mỹ nghệ tại Khánh Hòa tham gia Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã 13 năm, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên công việc ở Công ty phải tạm dừng.

Chị Hoa cho biết, “không có việc, không có thu nhập, nuôi 2 con học đại học, nên có lúc tôi muốn rút BHXH một lần để có tiền lo trước mắt nhưng nghĩ không có lương hưu về già thì bấp bênh nên đắn đo. Nếu đóng thêm 2-3 năm còn cố, kéo dài 7 năm nữa mới đủ điều kiện hưởng lương hưu không biết tôi có theo được không?”

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều lao động, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 việc làm bị ảnh hưởng, thu nhập bấp bênh khiến tỉ lệ lao động tham gia BHXH sụt giảm mạnh. Thống kê của BHXH Khánh Hòa trong tháng 2.2021, số người tham gia BHXH bắt buộc hơn 131.700 người, giảm 14,91% so với cùng kỳ năm trước.

Chị Trần Thị Hồng Nhung - công nhân Công ty May mặc ở Khu Công nghiệp Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa) - cho biết: “Thời gian đóng lâu, nhiều lao động mất việc và cơ hội duy trì BHXH hẹp hơn; nếu theo dự thảo thì tôi rất đồng tình. Làm công nhân may 18 năm lao động vất vả, thu nhập thấp nhưng vẫn gắng đeo bám vì cuốn sổ hưu về già. 20 năm thì lâu quá, với những người lớn tuổi ngồi may lâu không được muốn chuyển việc thì sợ chưa đủ tuổi nghỉ hưu... không có sự lựa chọn phù hợp”.

Đề xuất nhân văn

Đồng tình với dự thảo mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đưa ra, bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội, BHXH Khánh Hòa - khẳng định, giảm thời gian đóng sẽ có lợi cho người lao động. Bởi hiện nay số lao động đăng ký hưởng BHXH một lần tăng cao kéo theo đó quyền lợi bị ảnh hưởng lớn và lâu dài tác động đến an sinh xã hội. Năm 2019 Khánh Hòa có 11.103 lao động đăng ký BHXH 1 lần, năm 2020 là 12.387 lượt người và trong quý I/2021 đã có 5.896 lượt người. “Việc thay đổi này có thể triển khai ngay được nhưng cần tính toán 15 năm hay 10 năm và mức hưởng phải đảm bảo để quỹ BHXH vận hành tốt. Bên cạnh đó cần cơ chế riêng cho những trường hợp đặc biệt cần hưởng BHXH một lần” - bà Hà nói

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH Đắk Lắk) - nêu quan điểm: “Hiện nay, một trong các điều kiện để hưởng chế độ hưu trí là người lao động phải có đủ 20 năm đóng BHXH. Đối với nhiều người lao động lớn tuổi hoặc người lao động tham gia BHXH muộn thì thời gian này được xem là dài và khiến họ khó lòng đáp ứng được. Bên cạnh đó, lý do về kinh tế cũng khiến người lao động không còn muốn tiếp tục tham gia BHXH, từ đó rất dễ dẫn tới quyết định hưởng chế độ BHXH một lần, đồng nghĩa với việc rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, tạo gánh nặng lên toàn xã hội. Việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH là phù hợp, đặc biệt là tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được hưởng quyền lợi, tuổi già có lương hưu, hạn chế tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội toàn dân. Đây đồng thời cũng là đề xuất thể hiện tính nhân văn, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chế độ BHXH, nhất là chế độ hưu trí”.

Về phía doanh nghiệp, nếu người lao động được giảm số năm đóng BHXH thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí sớm hơn, tạo điều kiện cho những lao động trẻ có việc làm, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, với sự phát triển của cuộc Cách mạng 4.0, doanh nghiệp rất cần nguồn lao động trẻ, có sức khỏe, năng động, nhanh chóng thích ứng trước những biến đổi liên tục về công nghệ - những điều mà người lao động lớn tuổi khó có thể đáp ứng được, bà Lý nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn