MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Việt Anh - Tổng Giám Đốc Học viện Thành Công. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đề xuất giải bài toán thiếu trường mầm non, lớp trông trẻ cho con công nhân

Tuyết Lan - Trà My thực hiện LDO | 16/04/2024 06:34

Để giải quyết vấn đề cấp bách về giáo dục cấp Mầm non ở các khu công nghiệp, rất cần sự quan tâm và giải quyết từ phía các cấp chính quyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công - về những khó khăn và kiến nghị trong vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về khó khăn của công nhân ở KCN khi con đến tuổi học mẫu giáo. Nhiều trường hợp phải gửi con ở các trường tư thục, các lớp trông trẻ tại nhà?

- Việc cung cấp giáo dục Mầm non chất lượng cao cho con em của người lao động (NLĐ) tại các khu công nghiệp đã trở thành một vấn đề cấp bách. Đa số công nhân trong các KCN đang ở độ tuổi sinh đẻ, chiếm tới 95% lực lượng lao động, đòi hỏi phải có một hệ thống giáo dục Mầm non đáng tin cậy để họ có thể yên tâm làm việc và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục công lập không thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của con em cán bộ, công nhân viên và NLĐ. Điều này tạo ra khó khăn lớn trong việc tìm kiếm chỗ gửi trẻ, đặc biệt là với những gia đình phải làm việc theo ca kíp và không thể sắp xếp thời gian đưa đón con cái theo khung giờ học quy định. Vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết từ phía các cấp chính quyền và các ngành liên quan.

Thưa ông, những lớp trông trẻ tại nhà tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm nào khi không có giấy phép, không có nghiệp vụ?

- Các lớp học không chính thức và không có giấy phép thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm cho trẻ em. Đơn cử như sự không ổn định của nhân sự để đảm bảo cho việc chăm sóc trẻ em. Kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ hạn chế khi những người chăm sóc không được đào tạo chuyên nghiệp, họ có thể không biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc phát triển kỹ năng của trẻ. Ngoài ra, có thể bị quá tải sĩ số lớp trong khi không gian lớp học chật hẹp.

Một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất tiềm ẩn là khả năng trẻ em bị xâm hại và bạo hành. Để bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro này, cần có sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để tạo ra một môi trường an toàn, yêu thương và nuôi dưỡng.

Ông có kiến nghị, đề xuất các chính sách liên quan đến giáo dục Mầm non để hỗ trợ công nhân ở các KCN?

- Để giải quyết vấn đề cấp bách về giáo dục cấp Mầm non ở các KCN, rất cần sự quan tâm và giải quyết từ phía các cấp chính quyền và Bộ GDĐT. Thời gian qua đã có rất nhiều chính sách nhân văn cho giáo dục Mầm non tại các KCN trong cả nước, tuy nhiên những chính sách này cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội. Vì vậy cần đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất giáo dục Mầm non, xây dựng thêm trường Mầm non công lập trong hoặc gần các KCN. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên kể cả các giáo viên trong các trường tư thục và điểm trông giữ trẻ tư thục.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tài chính như cung cấp học bổng hoặc hỗ trợ học phí cho trẻ em công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ tài chính cho các cơ sở giáo dục Mầm non để nâng cao chất lượng giáo dục. Nghiên cứu để thiết lập các lớp học với thời gian linh hoạt, phù hợp với lịch làm việc đặc thù của công nhân.

Ngoài ra, có thể khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN đầu tư vào giáo dục Mầm non. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng và quản lý các cơ sở giáo dục Mầm non.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn