MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân thuê trọ tại gần Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Minh Phương

Đề xuất gói giải pháp ổn định đời sống, việc làm của công nhân

Bảo Hân LDO | 12/12/2022 08:00
Tại các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội, theo thống kê của tổ chức Công đoàn, dù không bị tác động mạnh về việc làm như một số tỉnh phía Nam, nhưng có hơn 2.000 công nhân bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này, Công đoàn đề nghị cần có nhiều giải pháp để ổn định đời sống, việc làm của công nhân.

Hơn 2.000 công nhân lao động trong các KCN, chế xuất bị ảnh hưởng việc làm 

2 tháng nay, tình hình sản xuất của công ty gặp khó khăn khiến chị Nguyễn Thị M (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải giảm giờ làm. Trước đây, mỗi ngày, chị M làm thêm 2 giờ; 1 tháng làm 2 ngày thứ 7, Chủ Nhật được nghỉ, tổng thu nhập của chị M được khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Hai tháng trở lại đây, chị M chỉ đi làm trong giờ hành chính, vì vậy, thu nhập cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Bị giảm giờ làm vào thời điểm gần Tết, chị M khá lo lắng. Thu nhập thấp đi, trong khi các chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình không giảm đi, thậm chí còn tăng lên vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, chị còn lo lắng sẽ bị ảnh hưởng đến tiền thưởng Tết dịp cuối năm, bởi khoản tiền thưởng này căn cứ vào tình hình sản xuất của công ty và đóng góp của người lao động. 

“Đành phải chi tiêu tiết kiệm hơn để dành dụm, đến Tết còn có tiền trang trải, mua sắm. Hy vọng sang năm tình hình của công ty sẽ khá hơn” - chị M. chia sẻ. 

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, dịch COVID-19 và bất ổn tại Châu Âu đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động. 

Theo đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng bị ảnh hưởng về việc làm, nhưng không nặng nề như các doanh nghiệp ở một số tỉnh phía Nam. 

“Cách đây 1,2 tháng, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, nhưng đến thời điểm này mới “thấm” nặng nề nhất. Thời điểm này cuối năm trước, các doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca, đảm bảo các đơn hàng. Còn hiện nay, các doanh nghiệp không còn tăng ca, tác động đến thu nhập của công nhân” - ông Thắng cho hay và nói thêm, có khoảng 2.000 công nhân lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất bị ảnh hưởng về việc làm. 

Theo ông Thắng, qua khảo sát, tiền lương của người lao động đạt 8-9 triệu đồng/tháng thì phần lớn là từ làm thêm giờ; không làm thêm giờ thì thu nhập giảm rất nhiều. “Nếu không làm thêm, mà với mức lương 5 triệu đồng/tháng thì làm sao lo được cho cuộc sống gia đình” - ông Thắng chia sẻ. 

Người lao động cần có tích luỹ 

Ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất cần tăng cường các biện pháp kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách Chính phủ đã ban hành; mong muốn cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi. 

Ngoài ra, để ổn định cuộc sống của người lao động, khi phê duyệt các khu công nghiệp cần phải phê duyệt đồng bộ nhà ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi… phục vụ cho công nhân lao động.  

Bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cho biết, năm nay là một năm khó khăn với ngành dệt may Hà Nội. Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội đang quản lý 62 công đoàn cơ sở với gần 20.000 lao động. Đến thời điểm này, những đơn vị có đơn hàng đến tháng 3.2023 là rất ít; chủ yếu hết tháng 12.2022. Hiện nay, một số đơn vị đang phải dùng các biện pháp để giữ chân người lao động, chờ khi nào có đơn hàng thì sẽ có người lao động làm việc ngay, vì ngành dệt may rất khó tuyển dụng lao động. Theo bà Hồng, hiện nay có 3-4 doanh nghiệp đang nợ lương người lao động.  

Bà Hồng cho rằng, hỗ trợ người lao động 500.000-1.000.000 đồng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa giải quyết hết được khó khăn cho người lao động. “Điều quan trọng là cần có giải pháp doanh nghiệp có đơn hàng, người lao động có việc làm thì mới giải quyết được vấn đề” - bà Hồng nói.

Mới đây, tại buổi tọa đàm việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho rằng, cần có giải pháp để người lao động trong quá trình làm việc có tích lũy đủ lớn để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khăn. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ Chính phủ để các tỉnh, thành phố có nguồn dự phòng cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung, trong đó có hỗ trợ người lao động trong thời điểm mất việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn