MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người cao tuổi nhận lương hưu. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/06/2023 07:12
Đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và tăng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng sẽ góp phần chăm lo đời sống của người cao tuổi. Về lâu dài, giúp người dân nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của lương hưu.

Để người già không tủi thân

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Ngoài đề xuất hạ tuổi, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách Nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Tùy điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách từng thời kì, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam - bày tỏ đồng tình trước đề xuất này. “Hiện nay, trong điều kiện ngân sách cho phép thì chỉ nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội với các xã nghèo. Theo tôi, cần phải nâng mức trợ cấp xã hội với những cụ già không có lương hưu, không có tích lũy chứ không chỉ riêng với người già tại các xã nghèo. Đề xuất mới đây của Bộ LĐTBXH là hoàn toàn chính đáng” - bà Chuyền nhận định.

Bà Chuyền lí giải, với những người cao tuổi ở nông thôn, không có lương hưu, cuộc sống rất khó khăn. Tỉ lệ người già ở nông thôn ở Việt Nam hiện nay vẫn cao, đa số họ không có tích lũy, chờ vào thu nhập của con cái. Thế nhưng, có người con lo được cho bố mẹ nhưng cũng có những người chỉ lo được cho cuộc sống cá nhân. Việc chu cấp và chăm sóc cho bố mẹ với họ là quá khó khăn. Do vậy, nếu được Nhà nước trợ cấp từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng là rất cần thiết và phù hợp.

“Chúng ta nên dành cho người già những chế độ nhất định. Người cao tuổi sẽ đỡ tủi thân” - bà Chuyền cho hay.

Tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân

Khi còn là đại biểu Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) đã nhiều lần phát biểu đề xuất cần xem xét giảm tuổi trợ cấp hưu trí xuống để mở rộng chính sách an sinh xã hội với những người yếu thế.

Do vậy, việc đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi từ 80 xuống 75 tuổi là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, người dân.

Theo ông Lợi, thời gian tới nếu nguồn lực có đủ nên tiếp tục nghiên cứu hạ xuống 70 tuổi. Cùng với hạ tuổi thì việc đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng cũng xác đáng trong lúc giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay.

“Con số 500.000 đồng không phải lớn nhưng phần nào đó giúp những người cao tuổi có thêm khoản tiền để lo cho cuộc sống” - ông Lợi cho hay.

Ngoài ra, trước đây, có nhiều trường hợp người lao động thuộc các cơ quan Nhà nước thôi việc hưởng trợ cấp một lần theo các quy định và đến nay họ không còn thu nhập, đời sống khó khăn. Với những trường hợp này, với nam từ 62 và nữ từ 60 đến dưới 75 tuổi có thể xem xét có một khoản trợ cấp hay hỗ trợ hàng tháng cho họ.

Về lâu dài, cần có các giải pháp để huy động tham gia, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Khi người dân có đóng góp thì sau này hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu. Từ đó giảm đi gánh nặng cho Nhà nước, cho xã hội và mức lương hưu hưởng cũng cao hơn so với mức trợ cấp.

* Bộ LĐTBXH cho biết, nếu được thông qua, ước tính sẽ có thêm 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí.

* Việc tăng mức trợ cấp hàng tháng với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên từ 360.000 đồng lên mức 500.000 đồng thì kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng hơn 7.100 tỉ đồng/năm; bao gồm giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi là 5.000 tỉ đồng, điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ 360.000 đồng thành 500.000 đồng là 2.100 tỉ đồng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn