MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty anh Tuấn thường xuyên phải tuyển lao động thời vụ để kịp lúc hàng đi gấp. Ảnh: Mạnh Cường.

Đề xuất làm bán thời gian cũng đóng bảo hiểm xã hội chưa thiết thực

Mạnh Cường LDO | 13/11/2023 19:43

Cả người sử dụng lao động và người lao động đều cho rằng đề xuất làm bán thời gian cũng phải đóng bảo hiểm xã hội bất cập khi thực hiện chính sách.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi) - chủ doanh nghiệp may mặc tư nhân chia sẻ, khi hàng cần đi gấp anh vẫn thường xuyên tuyển lao động bán thời gian về làm việc. Tuy nhiên, họ chỉ làm tối đa 2 tháng, mỗi lần tuyển hàng chục lao động, thủ tục báo tăng, giảm lao động lên cơ quan bảo hiểm xã hội khá phức tạp và mất thời gian.

“Công ty tôi quy mô nhỏ nên chỉ có một kế toán kiêm tất cả các công việc nội bộ, thuế. Nếu liên tục báo tăng, giảm lao động thời vụ khả năng cao phải tuyển thêm kế toán bởi một năm tuyển số lượng cả trăm lao động” - anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cho biết doanh nghiệp tuyển lao động thời vụ một phần cũng để tiết kiệm chi phí. Lúc hàng đi gấp phải tăng tiền lương mới tuyển được người. Bây giờ phải đóng thêm bảo hiểm cho lao động, lợi nhuận chẳng còn là bao.

Chia sẻ thêm, anh Tuấn cho rằng, muốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ cần phải có hồ sơ xin việc hợp lệ theo hợp đồng lao động. Mà các lao động thời vụ làm nửa tháng rất ngại khám sức khỏe vì tốn kém. Phần lớn các lao động thời vụ công ty anh Tuấn đang thuê chỉ cần căn cước công dân công chứng là đủ.

“Nếu bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ, khả năng doanh nghiệp tôi sẽ chọn phương án yêu cầu người lao động cố định tăng ca, tăng năng suất. Như vậy vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ tốn kém chi phí” - anh Tuấn bày tỏ.

Chị Phạm Thu Hà (21 tuổi), sinh viên năm cuối tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết bản thân phải làm việc bán thời gian để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập khá thấp. Trừ thêm tiền bảo hiểm xã hội thì đồng lương chẳng còn là bao.

“Tôi làm việc partime (bán thời gian) cho một công ty tư nhân 4 tiếng/ngày được 2,5 triệu /tháng. Số tiền này chỉ đủ ăn uống, sinh hoạt, chưa đủ trả phòng trọ. Nếu trừ bảo hiểm xã hội chỉ còn hơn 2 triệu đồng, càng phải khắt khe chi tiêu” - chị Hà tâm sự.

Chị Hà lo lắng phải đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập chẳng còn là bao, ảnh hưởng đến cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, theo chị Hà số tiền đóng bảo hiểm xã hội quá thấp cũng ảnh hưởng đến các quyền lợi khi được hưởng đặc biệt là rút một lần và lương hưu.

“Theo tôi biết, khi rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc hưởng lương hưu sẽ tính bình quân lương dựa trên số tiền đóng và số tháng tham gia. Những tháng đóng bảo hiểm xã hội theo lương partime khá thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bình quân lương, dẫn đến tiền thực nhận sau này rất thấp” - chị Hà nói.

Chia sẻ quan điểm, chị Hà cho hay, đề xuất đúng đắn nhưng chưa thiết thực. Nên áp dụng với các lao động có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 5 triệu thì chỉ thu từ phía công ty, không nên thu thêm người lao động.

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất lao động được thuê làm việc bán thời gian nhưng hưởng mức lương hằng tháng bằng một nửa lương tối thiểu vùng 1 sẽ thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người làm thuê đóng một phần, người đi thuê phải đóng một phần. Như vậy, khi thu nhập hàng tháng từ 2,34 triệu đồng, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn