MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đình công vì Cty không trích đóng BHXH, BHYT, BHTN cho họ.Ảnh: L.T

Đề xuất lấy nghị quyết thay cho ủy quyền

LÊ TUYẾT thực hiện LDO | 23/06/2017 11:00
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM) - Trưởng văn phòng luật Luật Tín Nghĩa - thì theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012, tranh chấp lao động cá nhân về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH thì không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Thay vì lấy ủy quyền của từng người lao động (NLĐ), tổ chức CĐ cần tổ chức hội nghị CĐ và ra Nghị quyết CĐ đại diện tập thể NLĐ khởi kiện.

Thưa luật sư, từ đầu năm 2016 khi TAND Tối cao ban hành Công văn số 105/TANDTC chuyển việc khởi kiện qua tổ chức CĐ thì cơ quan BHXH đã chính thức ngừng nộp hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Vậy, hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ BHXH như thế nào?

- Theo các quy định pháp luật hiện nay: Tranh chấp lao động cá nhân về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH thì không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải (khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012); CĐ có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện tại toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ bị xâm phạm (khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012); CĐ có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn (khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014); Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ hoặc khi được người lao động ủy quyền (khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

Khi DN thu đủ khoản phí của NLĐ và khoản phí của người sử dụng lao động mà không đóng cho cơ quan BHXH là xâm hại quyền lợi của NLĐ, do đó NLĐ có thể khởi kiện tranh chấp lao động về BHXH với DN được chưa, thưa luật sư?

- Với các tranh chấp lao động về BHXH của NLĐ với DN thì có quyền khởi kiện tại toà án mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Thực tế, DN chiếm dụng bảo hiểm của hàng chục, hàng trăm hoặc hàng nghìn lao động cùng một lúc đó là xâm phạm quyền, lợi ích của tập thể NLĐ.

Nếu cả nghìn người cùng lúc đi kiện sẽ dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người gây mất trật tự xã hội, do đó NLĐ có thể ủy quyền cho tổ chức CĐ khởi kiện vụ án lao động tranh chấp BHXH với DN đang nợ BHXH. Không thể mỗi NLĐ lập một bản ủy quyền, mà tổ chức CĐ tổ chức hội nghị tập hợp toàn bộ NLĐ bị xâm hại quyền lợi về BHXH và hội nghị ra nghị quyết CĐ đại diện tập thể NLĐ khởi kiện.

Tổ chức CĐ cần làm gì để thực hiện quyền của mình nhằm bảo vệ NLĐ trong việc DN nợ hàng tỉ đồng, thậm chí hành chục tỉ đồng?

- Nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức CĐ là cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ (Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012), do đó CĐ không thể đi hỏi thăm từng NLĐ rằng có đang bị DN nợ hay không, có tham gia BHXH hay không, mà CĐ cần chủ động liên hệ cơ quan BHXH địa phương để tìm hiểu về tình trạng BHXH của DN để nếu có phát hiện nợ đọng hoặc xâm hại quyền lợi BHXH của NLĐ thì có chính sách hành động để bảo vệ NLĐ kịp thời.

Thực tế một số ít cán bộ CĐ cơ sở tại DN hiểu biết về pháp luật có hạn, nhưng bên cạnh CĐ còn có Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh, thành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của Sở Tư pháp tỉnh, thành, Đoàn Luật sư tỉnh, thành, Hội Luật gia tỉnh, thành và những luật sư tâm huyết… có thể sẵn sàng tư vấn giúp CĐ thực hiện quyền của mình đúng quy định pháp luật. Đặc biệt vai trò phối hợp chặt chẽ của LĐLĐ tỉnh, thành với BHXH tỉnh, thành để chia sẻ thông tin về tình trạng nợ đọng BHXH để có kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau trong việc truy thu nợ đọng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, chia sẻ kinh nghiệm tranh chấp BHXH, khâu thi hành án...

Cán bộ CĐ tại cơ sở thì hưởng lương của DN nên khó có thể đại diện NLĐ kiện doanh nghiệp, thưa luật sư?

- Cấp LĐLĐ quận, huyện hoặc cấp CĐ ngành là tổ chức tiên phong thực hiện nhiệm vụ đứng ra đại diện tranh chấp với DN nợ BHXH và tham gia tố tụng tại tòa án. Bởi cán bộ CĐ cơ sở là người làm công ăn lương của chủ thì khó lòng đủ “cứng rắn” kiện chính chủ của mình. Luật pháp đã giao trách nhiệm cho tổ chức CĐ thì CĐ phải năng động, tự tìm hiểu, đào tạo, liên kết… để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tổ chức CĐ đã được pháp luật thừa nhận là đại diện cho tập thể NLĐ thì phải tận tâm hỗ trợ cán bộ CĐ tại cơ sở để họ yên tâm và hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng pháp luật quy định.

Xin cảm ơn luật sư!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn