MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu nhà ở xã hội tại các thành phố còn rất lớn. Ảnh: Phan Anh

Đề xuất mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN đầu tư

Nhóm PV LDO | 26/10/2023 16:38

Thảo luật về Luật Nhà ở (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội cho rằng, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN đầu tư. Bởi, nhiều đối tượng có nhu cầu thuê nhà nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng là "công nhân, người lao động".

Đồng tình việc giao Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư nhà ở xã hội

Chiều 26.10, thảo luận tại hội trường về Luật Nhà ở, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn; góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, tại phương án 1, khoản 4, Điều 80 dự thảo luật quy định cho phép "Tổng LĐLĐVN là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê".

Theo quy định này, đối tượng được thuê nhà ở xã hội thu hẹp hơn so với các đối tượng tại điều 76 dự thảo. Do vậy, bà cho rằng, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN đầu tư.

Bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, còn nhà cho thuê vẫn thừa. Trong khi nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê, do không thuộc đối tượng "công nhân, người lao động".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng LĐLĐVN, nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội, chỉ nên quy định "các dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê".

Về việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, bà Nga cho rằng, việc này là cần thiết và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người lao động.

"Đây là nhu cầu rất thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động, đặc biệt góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở, công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp", bà Nga nói.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống và điều kiện của công nhân, người lao động, vị đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách đảm bảo an toàn môi trường.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét nội dung sau: Tại khoản 3 điều 93 quy định "Việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng thì do chủ đầu tư thực hiện... Ban quản lý khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền việc xét duyệt đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp”.

Bà cho biết, để đảm bảo nhà lưu trú cho công nhân được sử dụng đúng mục đích, đúng người, đúng đối tượng, đề nghị bổ sung quy định "sau khi xét duyệt và cho thuê phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo định kỳ 1 lần/tháng" nhằm tăng cường công tác quản lý của nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc cho thuê nhà lưu trú công nhân.

Cần bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp lý để Tổng LĐLĐVN triển khai nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động

Về quy định Tổng LĐLĐVN là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 80), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cũng bày tỏ thống nhất với quy định tại phương án 1 trong dự thảo luật: Quy định Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Ông cũng đề nghị Tổng LĐLĐVN cần có các giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng LĐLĐVN có thể triển khai thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1, giao Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

Về chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, tại điểm b, khoản 3, Điều 84 quy định: Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn