MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở Bình Dương. Ảnh: N.D

Đề xuất người lao động là F1 đi làm: Cần xác định F1 nguy cơ cao hay thấp!

Hà Anh - Bảo Hân LDO | 29/03/2022 07:11
Dù chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng y tế, nhưng thực tế tại nhiều doanh nghiệp, công nhân là F1 nguy cơ cao thì nghỉ 5 ngày, sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì có thể đi làm. F1 nguy cơ thấp thì đi làm bình thường… Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều người lao động và cán bộ Công đoàn cho rằng, đối với đề xuất người lao động là F1 đi làm, cần xác định rõ F1 nguy cơ cao hay nguy cơ thấp để có quyết định phù hợp, vừa đảm bảo sức khoẻ của người lao động, vừa ổn định sản xuất.

F1 nguy cơ cao: Người ủng hộ được đi làm, người không! 

Chị Nguyễn Thị Mận - nhân viên hành chính của một công ty điện tử tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh - cho biết, tại công ty chị, đối với những trường hợp NLĐ là F0 sẽ được nghỉ ở nhà, tự theo dõi, điều trị; đến ngày thứ 7, nếu có kết quả âm tính sẽ đi làm trở lại, dương tính thì tiếp tục cách ly thêm 3 ngày. NLĐ là F1 nguy cơ cao nghỉ làm 5 ngày, tự theo dõi; các trường hợp F1 khác nguy cơ thấp hơn vẫn đi làm bình thường. 

Theo chị Mận, Công ty quy định NLĐ là F1 nguy cơ cao, có khai báo y tế đều nghỉ làm việc 5 ngày. Trong thời gian nghỉ trên, có thể làm việc online (đối với những công việc có thể làm online hoặc không, nhưng vẫn được trả 70% lương).  

Chị Mận đang là F1 nguy cơ cao do con vừa bị COVID-19, chị nghỉ làm ở nhà để chăm sóc con. Chị Mận cho rằng, đối với những trường hợp NLĐ F1 nguy cơ cao, vẫn có thể được đi làm việc, nhưng có khu cách ly làm việc riêng khoảng 5-7 ngày để theo dõi tình hình dịch bệnh. Trường hợp NLĐ là F0 cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Đối với những NLĐ là F0 không có triệu chứng, nếu cho họ đi làm việc thì phải căn cứ vào sự tự nguyện của NLĐ, không ép buộc” - chị Mận nói. 

Ngày 22.2, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên - mắc COVID-19 và phải ở nhà để điều trị. Trong thời gian mắc bệnh, ông Thái chỉ sốt nhẹ, hơi viêm họng nên ông vẫn cùng 3 đồng nghiệp khác trong cơ quan làm việc online.

Ông Thái cho hay: “NLĐ là F0 ít triệu chứng, làm việc tại các nhà máy thì không nên đi làm, mà phải đợi sau 5 ngày xét nghiệm lại âm tính để không xảy ra việc lây bệnh cho các đồng nghiệp. F0 ít triệu chứng, không mệt mỏi thì có thể làm việc online nhưng chỉ phù hợp với những người làm trong khối văn phòng; tài chính, kế toán. Riêng NLĐ là F1 có nguy cơ cao (người nhà mắc COVID-19) phải cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính thì có thể đi làm; F1 nguy cơ thấp có thể đi làm nhưng phải tuân thủ 5K”.

Ông Thái cho biết thêm, hiện nay, DN trong các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch COVID-19 để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, F0 làm trong dây chuyền sản xuất thì được nghỉ để điều trị, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì quay trở lại làm việc; F1 nguy cơ cao thì nghỉ 5 ngày, sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì có thể đi làm; F1 nguy cơ thấp thì đi làm bình thường… 

Còn tại Hưng Yên, ông Luyện Phương Nam - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh có 7 KCN  đã đi vào hoạt động; Công đoàn các KCN đang quản lý 200 CĐCS khối doanh nghiệp, với tổng số trên 45.850 đoàn viên/56.550 CNVCLĐ. 

Ông Nam cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong các KCN vừa lo sản xuất vừa lo phòng, chống dịch với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do thiếu lao động bởi số lao động đang bị cách ly y tế, các doanh nghiệp này đang phải gồng mình vừa để lo cho NLĐ, vừa lo cho việc sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng phải dừng hoạt động, một số phải cho NLĐ nghỉ luân phiên, một số bị chấm dứt hoạt động.

Liên quan đến việc vừa qua Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến... ông Nam cho rằng, nếu Bộ Y tế đưa ra quy định là đã nghiên cứu kỹ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đồng ý thì phù hợp với công tác phòng, chống dịch hiện nay.

“Tuy nhiên, F0 đi làm trực tiếp sẽ có nguy cơ làm lây bệnh sang đồng nghiệp. Nếu cho phép họ đi làm thì mỗi người phải tự có ý thức phòng tránh cho mình và cộng đồng” - ông Nam nói.

Khó kiểm soát được người lao động là F1 đi làm! 

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, mọi người tự xác định là F1, không có văn bản nào, cơ quan nào (cơ quan làm việc hay cơ sở y tế) xác định nên việc NLĐ là F1 đi làm hiện nay đã không kiểm soát được. 

Còn đối với F0, khi họ có xét nghiệm dương tính với COVID-19, có giấy xác nhận là F0 thì cần phải xem tình trạng bệnh nặng hay nhẹ để tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Ví dụ, khi F0 báo cho phường, phường nói phải cách ly 7 ngày thì F0 phải thực hiện theo quyết định của phường, lúc này mới biết được quy định F0 có được đi làm hay không” - bà Ngân nói. 

Với F0 nhưng không khai báo, bà Ngân cho rằng, không có khả năng để kiểm soát. “Chỉ nên quy định cho F0 đi làm khi kiểm soát được F0 phải khai báo. Nếu không chủ động khai báo, không có ai để tiếp nhận khai báo thì sẽ không kiểm soát được việc cho F0 đi làm hay không đi làm” - bà Ngân nói. 

Cũng theo bà Ngân, không nên quy định F0, F1 đi làm mà nên quy định kiểm soát F0 như thế nào để đảm bảo an toàn. Ví dụ, một F0 khi khai báo y tế thì cần kiểm soát về triệu chứng đối với đối tượng F0 này; còn việc đi làm là do điều kiện của doanh nghiệp (như có bố trí được nơi làm việc riêng hay không) và nguyện vọng của NLĐ. Ngoài ra, nếu F0 đi làm thì chế độ chính sách về ốm đau như thế nào, có được hưởng không? 

Theo Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, nếu vẫn coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng thì vẫn phải thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nếu cho F0 đi làm là trái luật; còn nếu coi là bệnh đặc hữu thì việc đi làm hay không phụ thuộc vào người lao động và người sử dụng lao động. 

Bà Ngân cũng cho rằng, nếu F0 không có triệu chứng được đi làm, họ cần được hưởng cả tiền lương và chế độ ốm đau. Hiện nay, khi bị COVID-19 thì phải nghỉ tại nhà; nếu doanh nghiệp trả lương rồi thì NLĐ là F0 sẽ không được hưởng chế độ ốm đau. Bà Ngân nói thêm, nếu doanh nghiệp cần lao động thì sẽ có những chính sách khuyến khích hỗ trợ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn