MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại Hội thảo.

Đề xuất NLĐ nước ngoài tại Việt Nam có quyền gia nhập CĐ Việt Nam

Quế Chi LDO | 03/07/2019 18:46
Theo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Tổng LĐLĐVN đề nghị Luật Công đoàn sửa đổi thêm nội dung bảo đảm quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Sáng 3.7, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo về một số vấn đề cơ bản trong đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn dưới sự chủ trì của các ông: Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung, như: tài chính công đoàn; mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn Việt Nam với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng chống công đoàn...

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về vấn đề quyền gia nhập công đoàn của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, mục tiêu của việc thêm nội dung bảo đảm quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam là để bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài đang làm việc hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Hiện nay, Việt Nam có hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trên thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động ở một số nơi có phát sinh mâu thuẫn. Trong trường hợp như vậy, cần đề cao trách nhiệm và vai trò của công đoàn, tăng cường mối quan hệ giữa công đoàn với người lao động để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động.

Luật Công đoàn hiện hành (Điều 5) quy định “Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia hai Công ước năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và các quyền về văn hoá, xã hội. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Quy định này cho phép tất cả mọi người lao động, không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn để bảo vệ lợi ích cho mình. Do vậy, với quy định tại Điều 5 Luật Công đoàn hiện hành, quyền của mọi người được tham gia thành lập và gia nhập công đoàn trong các Công ước quốc tế nêu trên chưa được áp dụng một cách triệt để tại Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tương đồng với các nước trên thế giới, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi và bổ sung Điều 5 Luật Công đoàn theo hướng: “Người lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, đã có tổ chức công đoàn cơ sở, nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và trong thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực từ 6 tháng trở lên thì được gia nhập và hoạt động công đoàn nhưng không được tham gia vào cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp.”

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) thông tin một số vấn đề cơ bản trong đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn.

Vẫn theo tờ trình, đây là vấn đề khá phức tạp, còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong điều kiện chính trị - xã hội của nước ta, thì những quy định cụ thể về “quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam” của người lao động là người nước ngoài sẽ được quy định chặt chẽ, chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành đánh giá tác động đối với đề xuất chính sách này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn